Chỉ còn một thời gian ngắn nữa là các kỳ thi quan trọng sẽ diễn ra. Lo lắng cho sức khỏe của trẻ nhiều phụ huynh tìm mua các loại thực phẩm chức năng để bồi bổ cho con mình. Tuy nhiên, các chuyên gia khuyến cáo, việc sử dụng thực phẩm chức năng bừa bãi tiềm ẩn nguy cơ gây độc, làm tổn thương gan, thận…
Thay vì tìm những "siêu thực phẩm", ở thời điểm này, việc áp dụng một chế độ dinh dưỡng và sinh hoạt khoa học đối với học sinh là điều cần thiết. Đây là những điều phụ huynh có thể làm để hỗ trợ giúp con có sức khoẻ và tinh thần tốt trong mùa thi
4 lưu ý cần thiết nên khuyến khích trẻ áp dụng đúng
- Tuyệt đối không nên bỏ bữa sáng vì sẽ ảnh hưởng lớn đến sức khỏe.
- Không nên ăn quá no vì sẽ khiến máu tập trung nhiều về dạ dày và ruột. Khi đó, lượng máu lên não sẽ giảm đi dẫn đến tình trạng mệt mỏi, buồn ngủ, giảm khả năng tiếp thu.
- Không nên học khi vừa ăn xong. Tốt nhất nên học sau khi ăn 30 - 60 phút. Trong thời gian đó, nên tranh thủ đi bộ nhẹ nhàng, hít thở không khí trong lành để đầu óc được thư giãn.
- Sát ngày thi các sĩ tử cần ăn uống khoa học và đảm bảo vệ sinh. Không nên ăn những thức ăn lạ, khó tiêu vì có thể gây ngộ độc, ảnh hưởng đến sức khỏe và kết quả thi.
Giúp trẻ có chế độ ăn dinh dưỡng cân đối và sinh hoạt hợp lý
Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho rằng một chế độ dinh dưỡng cân đối và hợp lý sẽ cung cấp đầy đủ năng lượng, các vi chất cần thiết cho các sĩ tử, đồng thời kết hợp lối sống, nếp sinh hoạt khoa học sẽ đảm bảo có một sức khỏe tổng thể tốt, giúp trí não tỉnh táo, nhận thức và tư duy nhanh.
Theo bác sĩ Lê Thị Hải, nguyên Giám đốc Trung tâm Dinh dưỡng, Viện Dinh dưỡng quốc gia, để cơ thể nhận đủ năng lượng thì các em cần ăn đủ 3 bữa chính với đầy đủ 4 nhóm thực phẩm nhằm cung cấp cả chất bột đường, chất đạm, chất béo, chất xơ, vitamin và khoáng chất. Bên cạnh đó, trẻ có thể được bổ sung các bữa phụ bằng các loại thực phẩm lành mạnh như sữa, pho mai, trái cây... và uống đủ nước.
Chất đạm có nhiều trong thịt, cá, trứng, sữa, đậu nành. Trong đó, lòng đỏ trứng và đậu nành chứa nhiều lecithine là chất tạo lập acetyl choline giúp dẫn truyền thần kinh, bổ não và tăng trí nhớ.
Các nơron thần kinh cần những chất dinh dưỡng thiết yếu như axit béo omega 3. Chất này được tìm thấy nhiều trong các loại ngũ cốc như đậu nành, vừng, hạt dẻ, hạt điều và các loại cá như cá thu, basa, bạc má...
Các vitamin nhóm B cần thiết cho tế bào thần kinh hoạt động hiệu quả hơn. Vitamin B9 có trong dưa hấu, rau cải xanh, đậu nành, đậu đỏ, đậu đen... và vitamin B12 trong các loại cá, trứng, thịt.
Vào những buổi xế hay lúc nghỉ ngơi, sĩ tử nên ăn cam, quýt, chuối hoặc dưa hấu để có đủ vitamin, khoáng chất, chất xơ và giảm đi phần nào sự hấp thụ các chất đường.
Bên cạnh đó, các em nên giữ tinh thần ổn định, tránh lo lắng trước khi thi. Hạn chế dùng đồ uống chứa caffeine như trà, cà phê. Caffeine dư thừa dễ khiến cơ thể mất chất lỏng, rối loạn đường huyết ảnh hưởng đến não bộ.
Ngủ đầy đủ là điều quan trọng để não có thể nhớ lại những thông tin đã hấp thụ. Các em có thể chia nhỏ bài học với những buổi học ngắn để giảm căng thẳng. Chạy bộ, bơi lội, đạp xe trong vài phút xen giữa các buổi học giúp thư giãn đầu óc.
Ngoài ra, sĩ tử cần loại bỏ thói quen không tốt như thức khuya, lười vận động, thường xuyên xem tivi khuya, ngủ trưa quá dài, dùng điện thoại liên tục... sẽ ảnh hưởng đến hoạt động của bộ não