Về định danh thực vật những cây thuốc này đều thuộc họ bí – Cucurbitaceae và tên thuốc đều mang chữ “qua”. Xin giới thiệu những vị thuốc thường dùng.
Đông qua bì là lớp vỏ ngoài khô của cây bí đao có tên khoa học Benincana hispida cogn. Dùng loại vỏ mỏng dai, màu lục tro, có phấn. Đông qua bì vị ngọt, tính bình, quy vào bốn kinh tỳ, vị, đại trường, tiểu trường. Tác dụng hành thủy, tiêu thũng. Chủ trị các chứng thủy thũng, phù nề ở bì phu, thanh thấp nhiệt. Liều dùng 10-30g.
Đông qua tử là hạt già khô của cây bí đao. Chọn thứ hạt mập, màu trắng bóc vỏ có nhân màu trắng sữa, chứa chất dầu, không mùi. Thuốc vị ngọt, tính hơi hàn. Quy kinh tỳ, vị, đại trường, tiểu trường. Tác dụng thanh nhiệt, nhuận phế. Chủ trị các chứng đàm nhiệt sinh ho (ho sốt có đờm), tiêu khát, phiền muộn, trướng đầy, ung nhọt trong ruột, sưng phổi... Liều dùng 6-12g.
Tây qua là ruột hoặc vỏ quả cây dưa hấu có tên khoa học Citrulus vulgaris. Thuốc có vị ngọt, tính hàn, quy vào kinh tâm, phế, tỳ, vị. Tác dụng thanh nhiệt giải thử, lợi tiểu tiện. Dùng chữa các chứng say nóng, say nắng mùa hè, các chứng thấp nhiệt, hoàng đản, bụng trướng, dẫn nhiệt bài tiết theo đường tiểu tiện. Liều dùng 40-100g.
Nam qua tử là hạt quả cây bí đỏ hay còn gọi bí ngô, tên khoa học là Cucurbita pepo. Thuốc có vị ngọt, tính ôn vào hai kinh vị và đại tràng. Hạt bí ngô có tác dụng sát trùng, dùng tẩy sán. Liều dùng 40-100g nhân hạt.
Điềm qua đế là núm của quả dưa bở tên khoa học là Cucumis molo. Thuốc có vị đắng, tính hàn, quy kinh vị. Tác dụng gây nôn trong trường hợp nhiệt đàm, thức ăn lưu tích không tiêu. Trị chứng vàng da, thấp nhiệt. Liều dùng 4-8g.
Điềm qua tử là hạt quả cây dưa bở, có màu trắng ngà hoặc nâu nhạt, nhẵn trơn, hơi bóng, không mùi. Thuốc có vị ngọt, tính hàn. Tác dụng tiêu ứ, bài nùng, mát phổi, nhuận tràng. Chủ trị các chứng tích tụ trong bụng, tràng ung (nhọt trong ruột). Các trường hợp phế nhiệt, đại tiện táo kết. Liều dùng 12-40g.
Hồ qua là quả cây dưa chuột hay còn gọi là dưa leo có tên khoa học là Cucumis sativus L. Hồ qua vị ngọt, tính hàn. Tác dụng thanh nhiệt, trừ phiền, lợi thủy. Chủ trị các chứng đau bụng, bụng trướng, chân tay phù nề do tích nước, chữa tàn nhang, làm đẹp da, chữa bỏng lửa khi vết phỏng chưa phồng rộp. Thường dùng dạng tươi. Liều dùng 60-100g.
Hồ qua diệp là lá cây dưa chuột, có vị đắng, tính bình, hơi có độc, thường dùng lá tươi giã vắt lấy nước cốt làm cho nôn trong trường hợp ứ tích vị tràng hoặc cần loại thải chất độc trong dạ dày. Liều dùng 20-30ml.
Ty qua lạc là xơ quả chín già đã chế biến khô của cây mướp Luffe cylindrrica L. Thuốc có vị ngọt, tính bình, quy vào kinh phế, vị, can. Tác dụng thông kinh lạc, thanh nhiệt giải độc, lương huyết, lợi tiểu tiện, giảm đau, thông sữa, chữa đau nhức mình mẩy, gân xương, nhất là vùng ngực, vùng sườn. Đốt tồn tính có tác dụng cầm máu, chữa băng huyết, chảy máu ruột, đi lỵ ra máu. Liều dùng 8-12g.
Ty qua đằng là dây mướp đã chế biến khô, vị hơi đắng, chua, tính mát, tác dụng thanh phế, chỉ khái, trừ đờm dùng chữa các chứng ho cấp hoặc mạn tính trong viêm phế quản. Làm thông khứu giác: sao đen trị tắc nghẹt mũi trong bệnh viêm mũi. Liều dùng uống 40-80g.
Ty qua diệp là lá mướp, vị hơi đắng, chua, tính mát, tác dụng thanh phế trừ đờm, chữa các chứng ho do viêm phế quản. Giải độc chỉ huyết dùng lá tươi giã nát đắp vào chỗ lở loét, sưng đau, hoặc nghiền thành bột mịn rắc cầm máu bên ngoài. Liều dùng uống 12-20g.
Khổ qua là quả cây mướp đắng Momordica charantia L. có vị đắng, tính hàn không độc. Tác dụng thanh nhiệt, chữa ho, dùng tắm cho trẻ trừ rôm sảy. Liều dùng mỗi lần từ 1-2 quả.
Khổ qua diệp là lá cây mướp đắng thường dùng nước ép lá tươi gây nôn, làm thuốc tẩy giun, điều trị một số bệnh đường mật. Liều dùng 20-30ml.