Hãy sáng suốt nhận ra và trám ngay những khe hở của tổ ấm ngay khi bạn có thể nhận ra từ những dấu hiệu.
Có quá nhiều không gian riêng
Nhất là khi hoàn cảnh sống có điều kiện tốt về vật chất. Sự riêng tư của cá nhân thì rất cần được tôn trọng, khi có con nhỏ hay vì điều kiện cho phép mỗi người một phòng riêng để vừa làm việc vừa nghỉ ngơi. Dù chồng thích ở phòng riêng để thức khuya lướt web không ảnh hưởng đến vợ con, còn người vợ lại thích ở riêng trong phòng mình để rong ruổi theo những mẫu thời trang mới mà không làm phiền hoặc bị người khác quấy rầy, nhưng vợ chồng bạn không nên để tình cảnh này kéo dài quá lâu.
Sự riêng tư vượt ngưỡng trong hôn nhân sẽ có hại cho cảm xúc của cả hai người. Dành quá nhiều thời gian cho khoảng trời riêng, khiến cho vợ chồng ít có thời gian gần gũi, tâm sự cùng nhau, chia sẻ những nỗi niềm chỉ có hai người mới thấu hiểu. Đồng thời, nếu ít chung đụng nhau, vợ chồng bạn đã tự đánh mất cơ hội hai người được âu yếm, làm nguội dần cảm xúc chuyện phòng the.
Vợ chồng có quá ít thời gian tiếp xúc, trò chuyện với nhau
Nếu như khi mới yêu, chỉ cần được nghe tiếng nói, nhịp thở của nhau đã là điều quá hạnh phúc. Thì khi đã có con cái, cuộc sống quá bận rộn khiến vợ chồng, gia đình không có lấy chút thời gian để trò chuyện, gặp mặt nhau. Vì sự nghiệp thăng tiến, vì chuyện cơm áo gạo tiền, người đàn ông - trụ cột của gia đình đã phải ra khỏi nhà khi vợ con chưa dậy, và khi anh trở về thì cả nhà đã lên giường ngủ từ lúc nào.
Cuộc sống quá tất bật khiến các thành viên trong gia đình ít có cơ hội giao tiếp với nhau nên không thể thấu hiểu và truyền cảm xúc cho nhau. Đây là nguy cơ lớn khiến người bạn đời đi tìm sự chia sẻ tình cảm ở bên ngoài.
Vợ chồng con cái cần có một cuộc họp nhỏ để vạch ra một kế hoạch cho sự gặp mặt thường xuyên hơn giữa các thành viên. Cần có sự sắp xếp hợp lý để trong ngày, trong tuần, gia đình được đoàn tụ, quây quần bên mâm cơm. Bữa ăn tối cùng nhau là dịp để mọi người thổ lộ, chia sẻ những niềm vui, nỗi buồn. Đây cũng là cơ hội để vợ chồng lắng nghe và thấu hiểu nhau. Cha mẹ hãy cùng con tạo nên không khí ấm cúng, bình an và thư thái mà ai cũng muốn háo hức trở về.
Vợ chồng không có gì để nói
Có thể nói đây là nguy cơ lớn nhất đẩy hai người bạn đời xa dần nhau mà không phải ai cũng nhận ra. Khi yêu nhau, hai người quyết định cưới nhau là vì nói chuyện suốt ngày không biết chán và luôn trong trạng thái cảm xúc “gần như thế, vẫn còn xa lắm đấy”. Song, có một nghịch lý là cưới nhau về một thời gian, hai vợ chồng lại không còn có gì để nói. Các cuộc đối thoại giữa hai người thưa dần, chủ đề chia sẻ cũng tẻ nhạt, nhàm chán nhất là khi có thêm đứa con.
Có không ít người khi mới có con chỉ biết dồn hết các mối quan tâm cho con mình mà quên mất rằng người bạn đời đang cảm thấy bị “bỏ rơi”. Đừng chỉ dồn hết tình cảm cho con mà để bạn đời phải đi tìm sự an ủi, động viên từ đối tượng bên ngoài. Nếu vợ chồng không biết tự làm mới cảm xúc, vợ hễ thấy mặt chồng là nói đến chuyện cơm áo gạo tiền, bỉm sữa cho con khiến ông chồng về đến nhà, nhìn thấy mặt vợ là ngán đến cổ.
Đừng để vật chất lấn át tình cảm
Không ít gia đình khi sống trong cảnh nghèo khó, bần hàn thì “chồng chan, vợ húp, gật đầu khen ngon”. Nhưng khi có tiền rủng rỉnh, cuộc sống sung sướng, đuề huề thì xung đột, cãi vã và mất đi hạnh phúc gia đình. Do đó, thay vì hướng ngoại để chạy theo cuộc sống hào nhoáng, đầy cám dỗ, gia đình hãy chung tay lôi kéo mọi người cùng hướng nội, làm giàu đời sống tinh thần tích cực cho tổ ấm của mình.
Gia đình cần có nhưng bữa ăn chung ấm áp, cùng nhau đi du lịch, cùng chơi các môn thể thao, cùng trải nghiệm những kỷ niệm có đầy đủ các thành viên. Đó chính là sợi dây gắn kết “vô hình” nhưng rất bền chặt để “người ngoài” không có cơ hội xen vào phá vỡ hạnh phúc.