1. Hệ thống nhắc nợ
Sự có mặt của hệ thống “nhắc nợ” tốt hơn nhiều so với việc không có nó. Cần phải nhớ là hệ thống đó nhất định phải đủ linh hoạt để con nợ có cảm giác là có một người rất cảnh giác đang làm việc thường xuyên và nghiêm túc với anh ta. Những nguyên tắc cơ bản để xây dựng hệ thống nhắc nhở đòi nợ hiệu quả như sau:
Tăng dần (và chắc chắn) mức độ yêu cầu (từ gửi thư tới gửi thư, từ gọi điện đến gọi điện, từ gặp mặt đến gặp mặt)
- Thăm hỏi: Khi đến hạn thanh toán mà con nợ vẫn “im hơi lặng tiếng” chúng ta có thể gọi điện, gửi mail hoặc thư, đánh tiếng... Việc thăm hỏi này được thực hiện trên tinh thần nhắc nhở nhẹ nhàng và thông cảm với sự chậm trễ của con nợ, đồng thời gia hạn một thời điểm thanh toán cụ thể (thường trong 1 tuần).
- Nhắc nhở: Sau khi đã gia hạn thêm, nhưng con nợ vẫn chưa chịu thanh toán, chúng ta có thể nhắc nhở ở mức độ mạnh hơn. Nhưng vẫn nên tỏ ra thiện chí, tin tưởng vào con nợ.
- Cảnh cáo: Nếu con nợ vẫn tiếp tục thất hẹn, chúng ta cần thể hiện thái độ đòi nợ nghiêm khắc hơn, có thể cho ra những hậu quả nếu con nợ không thanh toán. Lần này, chúng ta nên đề nghị họ cam kết thanh toán bằng văn bản. Bước thực hiện này đòi hỏi phải thật khéo léo và khôn ngoan.
2. Khủng bố điện thoại
Cách đòi nợ này được đánh giá ở mức độ nhẹ nhàng nhất, bạn có thể gọi 1 ngày 5-10, thậm chí 20 cuộc điện thoại cho con nợ, gọi tới di động, máy bàn cơ quan, máy bàn nhà riêng… chỉ với nội dung là bao giờ thì bạn có tiền, việc khủng bố điện thoại này cũng sẽ nhanh chóng có hiệu quả nếu như bạn kiên trì và làm một cách triệt để.
3. Gửi email đòi nợ
Bạn hoàn toàn có thể gửi email cho con nợ, với điều kiện bạn biết thêm một vài địa chỉ mail khác, ví dụ như mail của đồng nghiệp, của các đối tác kinh doanh của họ, thậm chí là mail của Sếp họ. Bạn hãy gửi một mail đòi nợ lịch sự và rõ ràng, đừng quên CC cho cả các địa chỉ mail kia. Bạn nên nhớ rằng, con người ai cũng sĩ diện với đồng nghiệp, đối tác và Sếp của họ. Nên với biện pháp này, có thể bạn sẽ ngay lập tức lấy lại được tiền vì không ai muốn nhận được một cái mail như vậy lần thứ 2.
4. Gợi ý chia nhỏ khoản nợ
Thương lượng thành công chỉ là bước đầu, quan trọng vẫn là hình thức trả nợ. Nếu người bạn đó không thể trả hết tiền nợ trong một lần, hãy gợi ý họ chia nhỏ khoản tiền đó ra.
Bằng cách này, tiền thì vẫn ở đó và trước sau gì cũng xong. Tất nhiên, nhiều người cho rằng, hình thức trả nợ như vậy quá lắt nhắt, mất công, nhưng suy nghĩ lại sẽ thấy đây là cách lấy được tiền nợ tốt nhất, và có lợi cho cả đôi bên.
5. Đòi nợ tại nơi làm việc
Cách này đánh vào sự sĩ diện của con nợ nhưng cũng đòi hỏi bạn phải "mặt dày" một chút. Bạn có thể lên công ti của con nợ, và yêu cầu được gặp mặt với lí do đòi nợ, lì hơn bạn có thể ngồi ở đó vài ngày, đảm bảo con nợ sẽ phải suy nghĩ và sốt vó lo tiền trả cho bạn vì bao nhiêu con mắt đồng nghiệp đang săm soi chĩa vào họ. Cao thủ hơn, đối với những con nợ là chủ cửa hàng, giám đốc công ti bạn có thể lân la đến tận đại bản doanh của họ, rồi tìm cách trò chuyện với chính các khách hàng của họ, nói rằng bạn phải túc trực ở đây để lấy tiền nợ của ông chủ, nhiều ông chủ vì sĩ diện với khách hàng, với đối tác sẽ phải nhanh chóng trả nợ cho bạn.
6. Sử dụng tin nhắn điện thoại
Bạn sẽ đòi được nợ chỉ với 1 tin nhắn. Điều này nghe có vẻ hoang tưởng nhưng bạn sẽ thực hiện nó dễ như trở bàn tay với điều kiện bạn chịu khó tìm hiểu để biết một vài người khác mà con nợ của bạn cũng đang nợ tiền. Bạn sẽ nhắn tin rằng: “Nếu không trả tiền tôi, tôi sẽ thông báo với các chủ nợ của bạn là bạn đã trả tiền tôi rồi, và bạn đang có rất nhiều tiền đó, đến mà đòi đi.”Cách đòi nợ này nghe có vẻ hài hước nhưng cũng khá hiệu quả đó, vì không ai muốn cùng một lúc bao nhiêu chủ nợ tới khủng bố mình cả.
7. Đòi nợ trên mạng xã hội
Đây là cách đòi nợ khá phổ biến trong thời đại các kênh mạng xã hội đang trở thành một thứ không thể thiếu trong cuộc sống của con người. Đã có rất nhiều người nổi tiếng đăng đàn trên Mạng xã hội facebook để tố nhau quỵt tiền, để đòi nợ người này người kia và cách này xem ra khá hiệu quả. Vậy thì bạn cũng thử áp dụng xem sao. Bạn chỉ cần viết một tin nhắn, status đòi nợ, kèm theo ảnh của người vay, tin nhắn, file ghi âm (nếu có) đăng lên facebook, zalo, youtube… Chắc chắn, con nợ sẽ ăn không ngon, ngủ không yên và “muốn” được trả nợ cho bạn.
8. Theo dõi hoạt động liên quan tới các giao dịch tiền nong của con nợ
Cách này bạn phải đầu tư thời gian hơn một chút, nếu là trong kinh doanh, bạn cần phải nắm được thời gian nào con nợ có tiền trong tài khoản, thời điểm nào họ đi rút tiền tại ngân hàng hoặc các post ATM. Và công việc của bạn chỉ là đi theo rồi túm lấy tiền ngay tại chỗ. Hãy làm việc này thật bí mật để họ không đề phòng bạn. Nhiều con nợ đang rút tiền tại ATM, bị chủ nợ đứng ngay sau rồi xin tiền, trong trường hợp này có lẽ sẽ chẳng ai có thể thoát được.
9. Tiếp cận với người thân của con nợ
Sau khi dùng đủ mọi cách mà con nợ vẫn không chịu trả tiền, bạn có thể nghĩ tới việc tới gặp vợ/chồng, bố mẹ của con nợ đó. Cuộc gặp mặt này cũng rất nhẹ nhàng, lịch sự, thậm chí còn phải rất tình cảm thuyết phục nữa. Nếu không giải quyết được, bạn có thể ăn chực nằm chờ nhiều ngày ở nhà họ, với việc bị hàng xóm láng giềng nhòm ngó, chắc chắn không bố mẹ nào có thể làm ngơ khoản nợ của con cái mình. Họ sẽ có trách nhiệm gom góp tiền trả cho bạn để đổi lấy hai chữ bình yên.
Nếu bạn đã thử hết những cách trên mà vẫn không lấy lại được tiền, xin chia buồn! Bạn đã gặp một người mắc nợ "siêu cấp". Trong trường hợp này, buông bỏ có lẽ là cách ít mệt mỏi nhất. Hãy coi đây là "học phí" giúp bạn hiểu được rằng, khi đụng đến tiền thì nên cẩn trọng vì nó có tác động rất lớn - trước hết là chi tiêu, thứ hai là mối quan hệ. Từ nay, khi cho mượn tiền, hãy suy nghĩ thật kĩ và đôi lúc cũng cần cân đong đo đếm chút niềm tin, bạn nhé!