"Kê" ở trẻ sơ sinh là gì?
Lần đầu làm mẹ đã phải tiếp xúc với khá nhiều khái niệm mới mẻ, lạ lẫm trong cuộc sống rồi. Vào giai đoạn lọt lòng của bé yêu, "kê" chính là một kiến thức mẹ nên lưu tâm trong cuốn sổ tay chăm con khỏe mạnh của mình.
Hiểu nôm na thế này nhé, kê là những chấm trắng nhỏ li ti hình thành do da, bã nhờn và chất bẩn tích tụ lại dưới lỗ chân lông của em bé. Ngoài ra, nguyên nhân trẻ sơ sinh bị kê có thể do những hormone nhận từ mẹ vào cuối giai đoạn của thai kì hoặc thông qua sữa mẹ. Những nhân tố thường trực này cộng hưởng với làn da em bé mỏng manh, dễ tổn thương và tuyến mồ hôi chưa hoạt động ổn định dẫn đến hiện tượng kê xuất hiện. Nó thường hình thành tại các vị trí phổ biến như má, cằm và mũi.
Cách phân biệt trẻ sơ sinh bị kê với 4 loại bệnh về da khác
Rôm sảy thường xảy ra vào mùa hè, thới tiết nóng nực. Các nốt đỏ hồng, cứng nổi lên ở vùng bắp chân, bắp tay, lưng, cổ, ngực. Mẹ giữ khô thoáng, sạch sẽ những vùng mồ hôi ra nhiều, không làm trầy vết rôm tránh nhiễm trùng.
Chàm sữa (lác sữa) mọc ở 2 bên má, tay chân trẻ sơ sinh từ 6 tháng tuổi. Bệnh ban đầu là những nốt nhỏ. Nếu không điều trị bằng thuốc theo chỉ dẫn bác sĩ thì có thể chuyển biến thành mụn nước, đóng mày, tróc vảy gây đau đớn cho trẻ.
Viêm da thể tạng. Đây là chứng bệnh nghiêm trọng thường gặp ở trẻ sơ sinh từ 3-6 tháng tuổi. Nguyên nhân đến từ hệ miễn dịch yếu hoặc do di truyền. Trẻ có các nốt đỏ gây ngứa, mưng rỉ nước, da khô, tróc vảy. Mẹ chú ý giữ gìn vệ sinh cho vùng da sạch sẽ và không tự ý điều trị.
Bệnh kê. Trẻ có các mụn nhỏ li ti với mật độ dày đặc tạo thành từng đám với các hạt màu trắng đục dưới da. Nó cũng có thể tạo thành các chấm có đầu trắng nổi lên trên rồi tập trung chủ yếu tại những nơi như mũi, trán, gò má… thậm chí ở cả bắp tay nữa. Vùng da bị kê thường dẫn đến mẩn đỏ. Khi nhiệt độ thân thể bé tăng lên hoặc da bị kích thích lúc tiếp xúc với nước bọt, sữa mẹ, thức ăn và các chất tẩy rửa sẽ càng đỏ tấy.
Trẻ sơ sinh bị kê có nguy hiểm không?
Nghe nghiêm trọng vậy nhưng thực tế hiện tượng “kê” hoàn toàn vô hại và diễn ra khá phổ biến với những thiên thần mới sinh. Nếu còn lo lắng khi thấy làn da trắng trẻo của con bị ảnh hưởng thì mẹ nên biết rằng chúng không hề gây ra đau đớn, thương tổn, phiền toái hay lây nhiễm cho bé con nhà mình đâu. Mẹ cứ yên tâm là những nốt kê này sẽ “ngoan ngoãn” tự rời khỏi trong khoảng 2-3 tuần mà chẳng cần đến việc điều trị nhé.
Cách chăm sóc trẻ sơ sinh bị kê
Bởi vì những nốt kê thường chỉ kéo dài trong vài tuần rồi tự khỏi nên mẹ cứ yên tâm, không cần phải làm gì quá đặc biệt cả. Nói vậy không đồng nghĩa với việc chúng ta lơ là cảnh giác, dưới đây là một số lưu ý cho mẹ:
Những điều không nên làm khi chăm sóc trẻ sơ sinh bị kê
1. Không tự ý bôi kem hay thuốc mỡ vào những nốt kê của trẻ.
2. Không nặn, lau các nốt trắng để tránh làm tổn thương và để lại sẹo cho da em bé.
3. Đặc biệt, không nên lau mạnh để làm sạch các nốt kê của con bởi nó chẳng đem lại hiệu quả mà lại còn gây kích ứng làn da nhạy cảm, mỏng manh của các bé.
4. Không bôi bất kỳ loại nước hoa, nước thơm nào làm dị ứng da của con.
5. Không sử dụng đồ đã bị ẩm, thấm nước tiểu của bé.
Những điều nên làm khi chăm sóc trẻ sơ sinh bị kê
6. Dùng nước ấm để lau mặt và tắm rửa cho trẻ. Lưu ý: Mẹ chỉ pha nước vừa đủ ấm thôi nhé, vì quá ấm sẽ làm hại và gây phỏng rộp cho làn da trắng trẻo, mỏng manh của con đấy!
7. Sử dụng khăn lông loại mềm để lau cho bé.
8. Chỉ dùng sữa tắm chuyên dụng cho trẻ em.
9. Duy trì chế độ sinh hoạt cho con bình thường, tắm rửa và vệ sinh sạch sẽ mỗi ngày.
10. Quần áo trẻ nhỏ nên được giặt kỹ càng bằng xà phòng ít chất xút rồi làm mềm bằng cách ngâm trong nước xả vải.
[Những tưởng con mắc 4 chứng bệnh về da nhưng sau cùng mẹ thở phào vì bé chỉ bị loại mụn nhẹ này thôi - Ảnh 6.]
Chăm sóc trẻ sơ sinh bị kê.
11. Lựa chọn chất liệu vải như cotton, thoáng hơi và dễ hút mồ hôi.
12. Ủi sơ qua để khử trùng quần áo em bé sau khi phơi phóng ở nơi có ánh nắng mặt trời chiếu trực tiếp. Mẹ cất đồ của con vào tủ dành riêng cho em bé để an toàn hơn nhé.
13. Quấn bằng tã vải cho thông thoáng với trẻ và tránh mặc tã giấy, gây bít hơi.
14. Giặt giũ cẩn thận những đồ vật xung quanh như chăn màn, khăn lau của con.
15. Giữ khô ráo và thoáng mát cho làn da của em bé.
Khi nào cần đưa trẻ sơ sinh bị kê đi khám bác sĩ?
Nếu bệnh về da ở em bé ngày càng khó chịu, trong khi chế độ chăm sóc và giữ gìn vệ sinh không đem lại hiệu quả gì thì mẹ đừng ngần ngại đưa con đi thăm khám bác sĩ ngay nhé. Nuôi con là cả một hành trình dài từ lúc bầu bí, sinh nở tới khi em bé chào đời. Và để mẹ thông thái luôn sẵn sàng tư trang ứng phó với mọi tình huống và diễn biến sức khỏe của trẻ thì các kiến thức chăm sóc con phải được cập nhật thường xuyên. Những cách chăm sóc trẻ sơ sinh bị kê như trên đây cũng nên được lưu lại vào “kho tàng” nuôi con mỗi ngày của các mẹ.