Tính đến ngày 16/2, Việt Nam có tổng cộng 1.372 ca mắc Covid-19 do lây nhiễm trong nước, số ca mắc mới tính từ ngày 27/1 đến nay là 679 trường hợp. Hiện dịch Covid-19 đang diễn biến rất phức tạp tại 13 tỉnh, thành phố trên cả nước, một số địa phương có nguy cơ lây nhiễm ở mức rất cao, trong đó có TPHCM với nhiều địa điểm liên quan đến ca bệnh hiện đang bị phong tỏa.
Bộ Y tế nhận định, ổ dịch trong sân bay Tân Sơn Nhất liên quan đến nhóm nhân viên bốc vác phục vụ mặt đất đến nay đã được khống chế, nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng được kiểm soát tương đối tốt. Tuy nhiên, tại cuộc họp trực tuyến của Thường trực Chính phủ với Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 (chiều 15/2) ông Vũ Đức Đam, Phó thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh: "TPHCM là thành phố rất lớn, dân số đông, sau Tết Nguyên Đán mật độ đi lại nhiều, chỉ cần mất cảnh giác thì nguy cơ dịch sẽ quay trở lại bất kỳ lúc nào nên việc giám sát nguy cơ cần phải tiếp tục siết chặt".
Sau chỉ đạo của Phó thủ tướng Vũ Đức Đam, ngày 16/2 ngành y tế thành phố đã có kế hoạch chi tiết đối với nhóm những người từ địa phương đang có dịch lưu hành khi trở lại thành phố học tập, làm việc… sau Tết. Thành phố đặt mục tiêu phát hiện sớm trường hợp nhiễm SARS-CoV-2 từ các vùng có dịch trong nước, kịp thời kiểm soát nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng, duy trì nhịp sống ổn định để vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế.
Cụ thể, những trường hợp từ các vùng dịch trong nước đến TPHCM trong vòng 14 ngày đều phải thực hiện khai báo y tế trực tiếp cho cơ quan chức năng. Căn cứ vào diễn tiến tình hình dịch bệnh trong nước, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật sẽ hướng dẫn hình thức giám sát y tế đối với người đến từ các vùng dịch. Những người tiếp xúc gần với ca nghi nhiễm hoặc nhiễm SARS-CoV-2 buộc phải thực hiện các ly tập trung; người đến từ địa phương có ca bệnh trong thời gian giám sát, địa điểm bị phong tỏa, nơi trong thông báo khẩn của Bộ Y tế trước 14 ngày sẽ phải cách ly tại nhà, sau 14 ngày sẽ phải tự theo dõi sức khỏe.
Tại các khu vực sân bay, nhà ga, bến xe, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật thành phố sẽ phối hợp với các hãng vận tải thông tin đến hành khách trên từng chuyến đi các quy định giám sát đối với người đến thành phố từ vùng dịch. Người dân cần chủ động, trung thực khai báo y tế để được hỗ trợ y tế, chăm sóc khi cần thiết. Những hành khách khai báo đến từ vùng dịch sẽ được tổ chức làm tờ khai trên máy bay và tàu xe hoặc ngay khi xuống sân bay, nhà ga, bến xe.
Người dân từ các địa phương khác đến thành phố sẽ được Trung tâm Y tế quận huyện sàng lọc và chỉ định các hình thức cách ly hoặc giám sát y tế đối với từng cá nhân căn cứ trên thông tin khai báo y tế của mỗi người.
Tại các Khu công nghiệp, Khu chế xuất, trường học, cơ quan, đơn vị, các tổ chức… người đứng đầu các đơn vị có trách nhiệm triển khai cho nhân viên khai báo y tế theo hướng dẫn được cập nhật thường xuyên của ngành y tế. Khi có nhân viên đến từ vùng dịch phải thực hiện các ly, giám sát y tế theo quy định. Bên cạnh đó, đơn vị cần thông báo ngay cho Trung tâm Y tế quận huyện để phối hợp xử lý tiếp theo.
Tại địa bàn dân cư, người đến từ vùng dịch thuộc diện cần giám sát phải khai báo trung thực và thực hiện các biện pháp theo hướng dẫn của Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Thành phố. Ngoài ra, ngành y tế vận động người dân phối hợp với Tổ Covid Cộng đồng giám sát phát hiện những đối tượng đến từ vùng dịch, đối tượng nhập cảnh trái phép chưa khai báo y tế.
Bên cạnh đó, ngành y tế sẽ siết chặt công tác sàng lọc bệnh tại cơ sở y tế trên địa bàn, thực hiện lấy mẫu xét nghiệm ngẫu nhiên tại sân bay Tân Sơn Nhất khoảng 20% lượt hành khách; tại ga Sài Gòn sẽ lấy 100 mẫu mỗi ngày; các bến xe cũng sẽ lấy khoảng 100 mẫu xét nghiệm mỗi ngày đối với những người đến từ các tỉnh thành có nguy cơ.
Liên quan đến các hoạt động chống dịch Covid-19 sau Tết Nguyên Đán, ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TPHCM yêu cầu tất cả các sở ngành tuyệt đối không được chủ quan, lơ là trước nguy cơ dịch Covid-19; xử lý nghiêm mọi hành vi vi phạm, cản trở, chống đối các quy định phòng chống dịch.