Kỳ 1: Tướng cướp hào hoa đa tình và cuối đời bi đát
Đó là tướng cướp Điềm Khắc Kim đã “thành danh” từ những năm 1960 – 1970, được giới giang hồ Sài Gòn xếp vào hạng “Đại ca của các đại ca”, ngang hàng cùng Đại Cathay, Tín Mã Nàm, Bạch Hải Đường…
Tướng cướp hào hoa, đa tình
Điềm Khắc Kim tên thật là Lê Văn Minh, sinh năm 1947 tại khu Chuồng Bò, Hạnh Thông Tây, quận Gò Vấp, trong một gia đình nghèo, đông con, 12 anh em. Sớm bước ra đời và trở thành tên cướp khét tiếng. Nhiều lời đồn đại rằng, cậu thanh niên Minh đã thầm thương trộm nhớ cô bé hàng xóm xinh đẹp tên Bé Năm, nhưng cô đã sớm trở thành gái bar, đổi tên là Hélen Diễm.
Nàng Hélen Diễm bị lính Mỹ hiếp chết, quăng xác ra đường khiến Minh hận đời, căm thù lính Mỹ. Hành trình làm tướng cướp cô độc của mình, hắn thường kết hợp cướp của và cưỡng hiếp vợ của người Mỹ để trả thù cho mối tình đầu!
Báo chí Sài Gòn lúc này tranh nhau chạy những hàng tít giật gân về một vụ cướp nhà người Mỹ, với đích danh thủ phạm là Điền Khắc Kim, dù chẳng ai có thể xác định được ai là Điền Khắc Kim giữa thành phố 4 triệu dân này.
Sau vụ cướp này, để tránh bị tóm, Điền Khắc Kim đăng ký đi quân dịch, với cái tên giả là Lê Minh Hùng, hắn trở thành một binh nhì mang số quân 71/116964 của Tiểu đoàn 4, Trung đoàn 48 bộ binh ngụy. Ba tháng quân trường vừa kết thúc, máu giang hồ lại trỗi dậy, hắn lại đào ngũ về Sài Gòn tiếp tục đi ăn cướp.
Tháng 5/1970, Điền Khắc Kim đột nhập vào nhà một người Mỹ là giám đốc Hội cha mẹ nuôi Quốc tế trên đường Trần Qúy Cáp (nay là Võ Văn Tần). Đi đêm lắm có ngày gặp ma, trong khi hắn đang sắp sửa giở trò đồi bại với bà vợ ở phòng ngủ thì trong phòng tắm ông giám đốc đã cởi được dây trói, chạy thoát ra ngoài gọi cảnh sát. Hoảng quá, hắn vội bắt cóc bà vợ làm con tin và tẩu thoát xuống quận 8. Sau khi hành hạ bà đầm chán chê, Điền Khắc Kim đã gọi taxi đưa trả bà về với ông chồng Mỹ. Vì sự liều lĩnh bỡn cợt này, hắn đã bị cặp vợ chồng người Mỹ kia nhận diện và bị bắt, phải ra tòa lãnh án 20 năm tù.
Vào trại Chí Hòa, họp mặt với toàn những tay anh chị đầu trâu mặt ngựa, Điền Khắc Kim dù không băng đảng, người không một hình xăm vẫn nghiễm nhiên được đám tù hình sự xếp vào “chiếu trên”. Sự táo tợn, liều lĩnh và những cú “trả thù dân tộc” được các báo lá cải khai thác tối đa đã vô tình tạo cho Điền Khắc Kim một lai lịch đầy ánh hào quang, khiến những tên du thủ du thực phục lăn phục lóc. Nhờ có sự hỗ trợ của những tên đại bàng cộm cán ở Chí Hòa, Điền Khắc Kim có đủ tiền để mua được một tờ “giấy đi phép”, tức được phép tự do ra ngoài 12 hoặc 24 giờ, sau đó về trình diện. Lợi dụng “giấy đi phép” hắn trốn luôn.
Tướng cướp Điềm Khắc Kim gây ra nhiều tội lỗi nhưng lại rất…lạ đời. Mới thành danh trong chốn giang hồ, Điềm Khắc Kim đã tranh giành một cô gái bán cà phê tên Hằng với một viên thiếu tá chế độ cũ. Hai bên gằm ghè nhau, viên thiếu tá dọa bắn “nát sọ” tình địch là Điềm Khắc Kim.
Tuy nhiên, không phải tay vừa, Điềm Khắc Kim đã khiến viên thiếu tá hoảng sợ khi đột nhập vào nhà riêng, trộm súng, quân phục, để lại mảnh giấy có ghi 3 chữ “ĐKK”! Viên thiếu tá chưa hết bàng hoàng thì vài hôm sau, hắn lại đột nhập, trả lại súng và quân phục cùng mảnh giấy có 3 chữ “ĐKK”!
Cái tên Điềm Khắc Kim cũng là sự tình cờ trong một vụ đột nhập cướp gia thất của một công chức chính quyền, hắn trói cô vợ xinh đẹp lại rồi ung dung lấy đồ quý giá bỏ gọn gàng vào bao. Cô vợ bé bỏng kia run lẩy bẩy, tưởng lấy xong hắn sẽ cưỡng bức mình.
Nhưng không, xong hắn nhẹ nhàng cởi trói cho người đẹp, vỗ về: “ Đứng sợ, tôi không làm gì cô đâu. Tôi chỉ …vợ bọn Mỹ thôi” rồi ôm bao đồ đi ra cửa. Nạn nhân quá bất ngờ, hỏi: “Anh tên gì”, hắn quay trở lại, nhẹ nhàng trả lời rất …dịu dàng: “Điềm Khắc Kim” rồi biến mất vào đêm tối.
Tên tuổi Điềm Khắc Kim được tung hô lên mây xanh, mô tả những pha xuất quỷ nhập thần của hắn như có bùa ngải. Với phụ nữ, hắn được gọi là “tướng cướp hào hoa, đa tình” và rất ga lăng, lãng mạn.
Cuối đời bệnh tật, khi chết người nhà không nhận thi thể
Tháng 9/1985, Điềm Khắc Kim dùng súng cướp hàng tại chân cầu chữ Y. Hắn bị lực lượng công an SBC vây bắt. Một trinh sát xông đến, hắn giơ khẩu súng colt 45 bóp cò, đạn không nổ. Hắn bị tóm ngay tại trận.
Tháng 11/1985, cơ quan điều tra Công an TP.HCM khởi tố vụ án, khởi tố bị can với Điềm Khắc Kim. Sau khi ra tòa, hắn bị đưa vào trại giam Chí Hòa. Lần này thực sự Điềm Khắc Kim “hết phép”, hết thời sau vài lần trốn trại bất thành.
Danh tiếng “Độc hành đại đạo hái hoa dâm tặc” hoàn toàn không còn chút gì với Điềm Khắc Kim, dù tuổi đời chưa đầy 40. Những căn bệnh trong người y bộc phát. Vết thương do bị quân cảnh và viên sĩ quan CIA bắn trúng trong những phi vụ trước 1975 hoành hành dữ dội. Từng có 12 anh em, 2 bà vợ, 7 đứa con, nhưng không ai ghé thăm lúc sa cơ thất thế.
Những tin tức chuyển vào cho y toàn là tin buồn thẳm tận cùng của số phận: 2 bà vợ đã đi bước nữa, có bà còn sắp đẻ con cho chồng mới! Không biết những đứa con đang sống thế nào, có bị trôi dạt phương nào không? Tâm trạng những ngày cuối đời của Điềm Khắc Kim thật bi thảm.
Điềm Khắc Kim trút hơi thở cuối cùng vào lúc 1h45' ngày 27/11/1986 tại trại giam Chí Hòa trong thi thể gầy còm, co rút vì bệnh tật hành hạ. Do những người thân không nhận xác nên trại giam Chí Hòa phải đứng ra tổ chức tang lễ, hậu sự. Chỉ vài người trong ban nghi lễ theo chiếc xe tang đơn độc đưa thi thể Điềm Khắc Kim về nhà hỏa táng Bình Hưng. Tro cốt được gửi vào ngôi chùa trong khu hỏa táng!
Gần 10 năm sau, gia đình Điềm Khắc Kim mới nhận linh vị và tro cốt đưa về nhà thờ cúng. Trên bàn thờ của Điềm Khắc Kim - anh thanh niên Lê Văn Minh thửa nào – ngồi trên nhìn đời sau làn khói nhang bay nghi ngút. Phía trên, hình ảnh người cha nghiêm nghị nhìn xuống.