Khi công nghệ trong thời đại 4.0 giúp mọi người có cơ hội giao lưu, kết nối và đón nhận tin tức một cách rộng rãi hơn, thì chính công nghệ ấy cũng vạch trần bao góc khuất mà bấy lâu nay người ta đang cố giấu đó là bạo lực gia đình.
Ba đoạn video quay lại cảnh chồng bạo hành vợ dã man là những minh chứng cho điều ấy. Người ta phẫn nộ với cách hành xử của người chồng bao nhiêu thì thương cảm người vợ ấy bấy nhiêu.
Bên cạnh đó, hẳn không ít người cảm thấy xót xa khi nhìn những mảnh vỡ gia đình đang cứa sâu dần vào tâm hồn những đứa con nhỏ đang chứng kiến cảnh bạo hành ấy.
Chồng đánh vợ như cơm bữa
Ngày 11-9 vừa qua, một đoạn video quay lại cảnh chồng đấm, đá, tát, bóp cổ… thậm chí dìm vợ xuống hồ bơi trước sự chứng kiến của đứa con nhỏ được phát tán lên MXH Facebook. Vụ việc được xác định là một cặp vợ chồng trẻ ở Suối Dây, Tây Ninh. Người chồng tên là N. C. L. còn người vợ - nạn nhân trận đòn là Trần Thị Tuyết M. Theo lời chị gái M. kể thì L. là người yêu vợ, thương con, biết vun vén cho gia đình… Ngoại trừ những khi anh ta say rượu.
Cũng vì tâm lý cho rằng bình thường anh ta là người đàn ông yêu vợ thương con, chỉ trừ những trận say mà những năm qua, bao trận đòn tương tự chị M. phải hứng chịu đã không thể đếm hết.
Để đến giờ, đã gần 1 tuần trôi qua kể từ ngày chị bị hành hạ đánh đập, phải bỏ về nhà mẹ đẻ nương thân thì người chồng vẫn không một lời hỏi thăm.
Đứa nhỏ trong clip nhìn ba đánh mẹ, video không có âm thanh, nhưng sự giãy dụa, nhảy giật lên đủ cho ta thấy nó đang sợ hãi và tổn thương đến nhường nào…
Không lâu trước đó, cuối tháng 8 vừa rồi, một đoạn video đã tố cáo hành vi bạo hành của một võ sư tên V. (SN 1987, sống tại Long Biên, Hà Nội) đánh đập vợ tên L. (SN 1992). Đánh vợ là một hành động khó có thể chấp nhận được của phái mạnh, trong trường hợp này chị V. vừa sinh con được hai tháng. Khi bị chồng đánh, chị V. đang trong lúc ôm con. Đoạn clip đã nhiều lần quay cảnh chị vì cháu bé đang ôm trong lòng mà đưa mình ra hứng chịu những cú đấm từ chồng.
Qua tìm hiểu được biết chị L. đã từng ly dị với chồng nhưng họ đã tái hôn, để rồi ngày hôm nay chị lại một lần phải làm đơn tố cáo chồng ra cơ quan Công an.
Lí do người vợ ở Tây Ninh bị chồng đánh là vì anh ta say rượu, còn lý do chị L. bị chồng đánh vì để con trai vừa vào lớp 1 tập trung học hành, chị L. tự ý chuyển ti vi từ phòng ngủ ra phòng khách mà không hỏi ý kiến chồng.
Đoạn video thứ 3 cũng được phát tán lên MXH Facebook quay lại cảnh một ông chồng trẻ ở Bắc Kạn đe nẹt, đánh đập người vợ đang ôm trong tay đứa con nhỏ.
Được biết cả hai vợ chồng đều là cán bộ nhân viên nhà nước, có công ăn việc làm và thu nhập ổn định.
Trong ngôi nhà tiện nghi đầy đủ, một bé trai đang ngồi xem ti vi. Khi thấy ba đánh mẹ, thằng bé rời mắt khỏi màn hình ngoái lại nhìn, sau đó thản nhiên như chưa có chuyện gì, nó quay lại tiếp tục xem ti vi.
Phải chăng cháu bé thấy việc ba đánh mẹ đã quá thường xuyên, không có gì lạ lẫm hay phải sợ hãi nữa? Khi một đứa trẻ đang lớn coi việc ba bạo hành mẹ là bình thường thì hỏi rằng sau này khi lớn lên, bé sẽ là người đàn ông có tư duy, nhận thức về mẹ, về người yêu và là vợ của mình như thế nào.
Không biết ngoài kia người đàn ông tài cán ra sao, nhưng một người đàn ông giơ tay đánh vợ thì họ đã là kẻ thất bại rồi. Đặc biệt việc làm ấy còn diễn ra ngay trước mắt con trẻ.
Sự tổn thương 'đốt cháy' tương lai trẻ
Theo các nhà tâm lý học, trẻ em từ 5 đến 10 tuổi là đối tượng dễ tổn thương nhất vì trẻ đã hiểu được mọi điều.
Trẻ em sống trong hoàn cảnh bạo lực sẽ ảnh hưởng rất lớn về mặt tâm lý. Trẻ nảy sinh lo sợ, học kém, dễ có hành động bạo lực, hoặc tâm tính thụ động, mắc bệnh về tâm thần. Khi bé trai chứng kiến bạo lực gia đình từ nhỏ, ban đầu trẻ sẽ hoảng hốt, càng về sau trẻ sẽ hình thành thói quen ứng xử, nhận thức rằng làm đàn ông có quyền đánh phụ nữ. Khi trở thành người yêu, người chồng sẽ có cách ứng xử với vợ.
Với bé gái, chứng kiến cảnh mẹ bị cha mắng chửi, đánh đập, sau này dễ trở thành người phụ nữ cam chịu cảnh bạo lực hoặc ác cảm với đàn ông; nhút nhát, mất tự tin, lo lắng về tương lai.
Những hình ảnh bạo lực gia đình trở thành một vết thương khó phai mờ trong trí não trẻ. Khi trưởng thành, chúng khó hoà nhập với cuộc sống, dễ bị căng thẳng thần kinh, dễ bị kích động bạo lực hoặc có tư tưởng trầm uất.
Theo các nghiên cứu, những đứa trẻ sống trong môi trường bạo lực gia đình sẽ luôn thấy sợ hãi và lo lắng. Đứa trẻ không bao giờ cảm thấy an toàn cho bản thân mình và những người bị bạo hành trong gia đình.
Những đứa trẻ này có thể trông ổn ở bên ngoài, nhưng bên trong các em phải chịu sự đau đớn khủng khiếp về tinh thần và đôi là thể xác nếu chính các em trở thành nạn nhân của bạo lực.
Theo chuyên gia tâm lý Nguyễn Thế Sơn, nguyên nhân dẫn đến việc chồng dễ xảy ra bạo hành trong gia đình có nhiều nguồn phát sinh, có thể bị stress; có thể do áp lực công việc dẫn đến những suy nghĩ và hành động thiếu kiểm soát... Nếu tình trạng bạo lực gia đình nghiêm trọng kéo dài sẽ gây ảnh hưởng tới tâm sinh lý phát triển của trẻ nhỏ.
Lúc này, để việc bạo hành không ảnh hưởng đến tâm lý trẻ, chỉ có một cách duy nhất là phải cách ly trẻ con với nguồn gây ra bạo hành, cụ thể trong những sự việc trên là bố mẹ.