Trẻ sơ sinh bị nổi mẩn đỏ trên mặt, cổ hay rải rác ở khắp toàn thân khiến bố mẹ rất lo lắng và hoang mang. Thông thường là do bé bị dị ứng nhưng cũng có thể do một số nguyên nhân dưới đây:
Mụn sữa
Đây là tình trạng thường gặp ở trẻ sơ sinh, nhất là trong 3 tuần đầu sau khi chào đời. Theo đó, những nốt mụn này sẽ xuất hiện li ti ở mặt, cổ tay, lưng và sẽ tự động hết. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này thường do sự thay đổi môi trường sống và các tuyến bã nhờn trên da bé đang học cách bài tiết.
Lúc này, bố mẹ chỉ cần vệ sinh cơ thể cho trẻ sạch sẽ, mặc quần áo thoáng mát, giữ môi trường sống thông thoáng. Trường hợp sau 3 tháng mụn sữa của bé không mất hoặc mọc mụn to thì bố mẹ cần nhanh chóng đưa con đến bệnh viện vì nó rất dễ nhầm lẫn với bệnh viêm da.
Rôm sảy
Trẻ sơ sinh bị rôm sảy thường là do thời tiết hoặc bố mẹ ủ ấm cho bé quá chặt dẫn đến mẩn đỏ ở mặt, đầu và lưng. Hiện tượng này xuất hiện là do tuyến mồ hôi của trẻ bị tắc khiến rôm sảy mọc lên. Theo đó, mẩn đỏ do rôm sảy sẽ lên từng mảng đỏ và khiến bé cảm thấy ngứa ngáy và khó chịu.
Khi trẻ bị rôm sảy thì bố mẹ nên lau người thường xuyên cho bé, mặc quần áo thoáng mát, tạo không khí thông thoáng, bật quạt nhẹ để không khí lưu thông,... Đồng thời, không nên cho trẻ ăn những thực phẩm nóng như mít, nhãn, sầu riêng, vải,... và nên uống nhiều nước và rau xanh.
Chàm
Nguyên nhân trẻ bị chàm thường do cơ địa dị ứng, thường gặp ở trẻ 2 tháng đến 2 tuổi. Ngoài ra, đây cũng là căn bệnh mang tính di truyền nếu gia đình có tiền sử bị chàm. Chính vì thế, bố mẹ nên tránh cho con ăn các thực phẩm dễ gây ngứa như hải sản, bơ đậu phộng, một số loại hạt… Đồng thời, khi tắm thì nên dùng xà bông có độ tẩy rửa dịu nhẹ, có thể dùng dung dịch sát khuẩn để lau da cho bé.
Phát ban
Phát ban ở trẻ sơ sinh thường giống như những vết muỗi đốt kèm đầu mủ li ti trắng hoặc vàng trên da mặt trẻ. Hầu hết các vết ban này sẽ tự biến mất trong vài ngày, đồng thời không cho trẻ chà xát lên vùng da này.
Dị ứng
Dị ứng thời tiết là tình trạng thường gặp ở trẻ do thời tiết chuyển mùa hoặc tiếp xúc với tác nhân khác như phấn hoa, khói thuốc,... Ngoài ra, một số trẻ còn bị dị ứng với đạm có trong sữa bò. Dấu hiệu dễ thấy là trẻ nổi nốt đỏ quanh miệng sau đó lan ra khắp mặt.
Theo đó, khi bị dị ứng thời tiết, bố mẹ chỉ cần tránh cho trẻ tiếp xúc với các tác nhân gây dị ứng như môi trường, thực phẩm,... Ngoài ra, không cho trẻ tự ý chà xát lên vùng da bị dị ứng gây trầy xước. Lưu ý, khi trẻ sơ sinh nổi mẩn đỏ trên mặt do dị ứng thì mẹ nên bổ sung vitamin qua thực phẩm hoặc chế độ ăn uống khi cho con bú để tăng sức đề kháng.
Mụn nhọt
Mụn nhọt là hiện tượng dễ nhận biết khi xuất hiện riêng lẻ từng cái, sưng to và có thể bị mủ. Đối với trẻ bị nổi mụn nhọt thì bố mẹ nên dùng nước muối sinh lý để lau vùng da bị mụn. Sau khi tắm thì nên nhanh chóng lau khô người bé rồi bôi thuốc tím để mụn nhanh khô và sát khuẩn. Đồng thời, không nên tự ý nặn mụn hoặc bôi các loại thuốc khi chưa có chỉ định của bác sĩ.