Ông Ginger Houghton, chuyên gia về tâm lý xã hội tại Michigan, Hoa Kỳ cho biết: “Nhìn chung, cáccơn ác mộng không phải là mối đe dọa đối với chất lượng giấc ngủ hoặc sức khỏe của con người. Tuy nhiên, nếu các cơn ác mộng lặp đi lặp lại và nghiêm trọng đến mức ảnh hưởng đến công việc, học tập, cuộc sống gia đình hoặc khiến người gặp ác mộng muốn trốn tránh giấc ngủ thì lúc đó cần có sự can thiệp của y khoa”.
May mắn là chỉ có khoảng 1% người trưởng thành gặp ác mộng thường xuyên đến mức cần được chuyên gia hỗ trợ. Nhưng thực tế là ác mộng ảnh hưởng không nhỏ đến tinh thần của con người. Theo Dina Merhbi, một chuyên gia dinh dưỡng tại Montreal và là người sáng lập của Liệu pháp cân bằng cơ thể: “Chỉ cần một cơn ác mộng cũng có thể làm bạn mệt mỏi và kéo theo các thói quen có hại cho sức khỏe vào ngày hôm sau. Nếu như các cơn ác mộng lặp lại, điều này sẽ ảnh hưởng đến năng lượng và tinh thần của bạn, đồng thời có thể trở thành chất xúc tác cho chứng trầm cảm, lo lắng và thậm chí các vấn đề về sức khỏe như huyết áp cao”.
Các nghiên cứu cũng chỉ ra rằng những người hay gặp ác mộng có nguy cơ cao tự làm tổn thương bản thân hoặc có ý định tự tử. Vậy làm cách nào để bạn có thể kiểm soát các cơn ác mộng của mình? Một cách hiệu quả để giải quyết vấn đề này đó là xem xét các nguyên nhân có thể khiến bạn gặp ác mộng sau đây:
Bạn đang gặp vấn đề về tinh thần
Các suy nghĩ tiêu cực và các vấn đề trong cuộc sống chưa được giải quyết đóng vai trò rất quan trọng đối với việc hình thành loại ác mộng và số cơn ác mộng mà bạn gặp phải. “Trí não của chúng ta làm việc giống như một chiếc máy tính, vì vậy, nếu bạn đi ngủ với những suy nghĩ tiêu cực ban ngày thì trí não của bạn sẽ quay vòng những suy nghĩ tiêu cực đó trong khi bạn ngủ”, John Mayer, nhà tâm lý học lâm sàng tại Chicago cho biết.
Một nghiên cứu cho thấy những người trầm cảm nặng hoặc có thái độ tiêu cực với bản thân có xu hướng gặp nhiều ác mộng hơn người bình thường. Trên thực tế, 28% số người tham gia nghiên cứu và mắc bệnh trầm cảm nói rằng họ thường xuyên gặp ác mộng. Mặc dù trầm cảm rõ ràng là một nguyên nhân, nhưng những căng thẳng trong cuộc sống hàng ngày cũng có thể có ảnh hưởng đáng kể đến chất lượng giấc ngủ. Các tình huống trong cuộc sống như chuyển nhà, sắp có bài kiểm tra hoặc thay đổi vị trí làm việc cũng có thể là nguyên nhân gây ra ác mộng.
Bạn đang trải qua biến cố lớn trong cuộc sống
Theo một nghiên cứu gần đây, các cơn ác mộng là triệu chứng chủ đạo của chứng rối loạn căng thẳng sau chấn thương (PTSD). Điều này sẽ làm người gặp ác mộng khó mà ngủ lại và kéo theo sự mệt mỏi cho cả ngày hôm sau.
“Một số người tỉnh dậy với cảm giác buồn bã hoặc sợ hãi sau cơn ác mộng, đây sẽ là khởi đầu khó khăn cho một ngày mới. Nếu điều này thỉnh thoảng mới xảy ra thì không có gì đáng ngại. Tuy nhiên những cơn ác mộng lặp lại thường xuyên có thể là biểu hiện của mất trí nhớ, chấn thương tinh thần, ngưng thở khi ngủ hoặc rối loạn giấc ngủ”, bác sĩ Alex Dimitriu, nhà sáng lập của Phòng khám chuyên trị các vấn đề về tâm thần và giấc ngủ Menlo Park cho hay.
Ăn trước khi đi ngủ
Ăn đêm có thể làm cơ thể của bạn tăng nhiệt độ và tăng cường trao đổi chất. Điều này khiến trí não của bạn hoạt động nhiều hơn và có thể dẫn đến ác mộng. Một nghiên cứu thực hiện trên 400 sinh viên trong đó yêu cầu họ ghi chép lại về những giấc mơ và thực phẩm họ ăn trong vòng hai tuần. Khoảng 44% trong số đó cho biết khi ăn kem hoặc các sản phẩm khác từ sữa gây ra các giấc mơ kỳ quặc và đáng sợ.
Uống đồ có cồn trước khi đi ngủ
Việc uống rượu có thể ban đầu giúp bạn dễ đi vào giấc ngủ nhưng khi chất cồn chuyển hóa và tác dụng an thần tan biến, giấc ngủ của bạn sẽ bị gián đoạn và ác mộng có thể ập tới. Và cũng nhờ chất cồn đó, các giấc mơ của bạn sẽ trở nên sống động hơn bình thường. Thậm chí bạn có thể sẽ hành động như trong giấc mơ hoặc mộng du.
Bạn đang uống thuốc điều trị bệnh
Một số loại thuốc cũng có thể ảnh hưởng đến giấc ngủ như các thuốc điều trị huyết áp, chống trầm cảm, thuốc chứa steroid. Các thuốc điều trị bệnh Alzheimer, Parkinson và hạ scholesterol cũng có thể gây ra rối loạn giấc ngủ.
Làm cách nào để tránh gặp ác mộng?
Để tránh gặp ác mộng, bên cạnh việc chữa trị các vấn đề về sức khỏe tinh thần, bạn cũng cần theo dõi thói quen ăn uống trước khi đi ngủ và tham khảo ý kiến bác sĩ về các loại thuốc điều trị bệnh đang uống. Các thói quen tốt như thiền, trị liệu, tập thể dục có thể giúp bạn cải thiện giấc ngủ.
Ngoài ra, các cơn ác mộng đôi khi xuất phát từ các vấn đề hoặc mâu thuẫn chưa được giải quyết trong cuộc sống, do đó bạn cần nhận biết được các vấn đề này trước khi rơi vào giấc ngủ. Theo Ông Lauri Loewenberg, chuyên gia về giấc ngủ, các cơn ác mộng không hẳn là một điều đáng sợ mà đôi khi, chúng là công cụ hữu ích để bạn nhìn nhận lại các vấn đề của bản thân.
Do đó, nếu lần sau bạn tỉnh dậy vì khi bị một con quái vật truy đuổi trong giấc mơ, hãy tự hỏi bản thân rằng liệu con quái vật đó là hiện thân cho vấn đề nào trong cuộc sống của bạn. Đó có thể là bước đầu tiên để giải quyết những cơn ác mộng đó.