Vớt 18 thi thể nhưng…không thấy xác chồng
Người dân xã Khánh Hội, huyện U Minh (Cà Mau) vẫn không thể nào quên được ký ức kinh hoàng về cơn bão Linda đổ bộ vào đất liền 20 năm trước. Cơn bão đi qua đã khiến bao gia đình tan tác trong cảnh con mất cha, vợ mất chồng.
Chiều ngày 2/11, bão về, trời mưa như trút nước. Ôm ba 3 đứa con thơ bên hiên nhà, bà Trần Thị Đào (ngụ ấp 3, xã Khánh Hội, huyện U Minh) từng giờ, từng phút ngóng về phía cửa biển, nơi chồng bà và các ngư dân đang đánh mẻ lưới cuối cùng. Bộ đàm vang lên, tiếng chồng bà vội báo tin đang cho tàu chạy vào bờ nhưng phải neo lại vì sóng biển quá lớn. Vững lòng, bà tiếp tục chờ chồng bình an trở về.
Tối cùng ngày, bà cố gắng liên lạc với chồng bằng bộ đàm nhưng không có tín hiệu. Rạng sáng 3/11, đem con gửi nhà ngoại, bà Đào một mình nổ máy tàu, chạy ra biển tìm chồng. Lực lượng chức năng gác cửa biển không cho tàu ra khơi, bà ký giấy cam kết tự chịu trách nhiệm tính mạng bản thân.
Liên tục 4 ngày lênh đênh trên biển, mỗi lần thấy xác người trôi nổi bà lại cầu mong không phải xác chồng. Trong chuyến đi, bà vớt được tổng cộng 18 thi thể ngư dân, nhưng không có xác chồng.
Trở về, bà lại đau lòng chứng kiến ngôi nhà của hai vợ chồng đổ sập. Chính quyền địa phương cùng bà con lối xóm đã giúp bà dựng lại ngôi nhà mới khang trang.
Tin chồng bặt vô âm tín, một đêm, trước bàn thờ vọng, bà khóc cạn nước mắt và quyết tâm nén thương đau, cố gắng nuôi dạy các con nên người. Tích cóp dành dụm, bà mua chiếc ghe đi biển thay chồng.
“Tôi vẫn hy vọng sẽ được gặp lại chồng, đâu đó ngoài biển khơi”, lòng bà vẫn hy vọng.
Giờ đây cuộc sống đã phần nào vơi đi vất vả, bà đã dựng vợ gả chồng cho các con, theo Thanh Niên.
Vẫn đợi chồng về qua hai thập kỷ
Hai thập kỷ trôi qua, những góa phụ mất chồng sau bão ở huyện U Minh vẫn nuôi niềm hy vọng một ngày không xa chồng sẽ trở về.
Bà Trần Thị Lăng (57 tuổi) sống tại kênh Xáng Mới, ấp 4, xã Khánh Hội vẫn nhớ như in ngày nhận tin cả chồng và con trai mất tích, bà như chết điếng người.
“Ông trời vẫn còn thương tôi, một tuần sau thằng Húng về. Đò vừa ghé bến sông, trên nhà tôi xỉu, dưới bến nó cũng xỉu. Nó tên Trần Văn Húng, còn người chết tên Trần Văn Hùng, nên họ thông báo nhầm”, bà bồi hồi kể lại.
Húng về nhà được gia đình đưa đi điều trị sau cơn hoảng loạn một thời gian. Khi bình phục, anh lại xin mẹ ra khơi vì nhớ biển.
Bà Trần Thị Diệu (48 tuổi), em chồng bà Lăng tiếp lời: “Má tôi một lúc mất đi 3 người con trai, 2 con rể và 2 cháu ngoại”. Chồng bà cũng nằm trong số 7 người mất tích. Khi đó, con lớn của bà mới 5 tuổi, đứa giữa 3 tuổi, đứa út mới sinh được 3 tháng.
Những người phụ nữ trong xóm chỉ có khoảng 3 – 4 người tái giá. Riêng nhà bà Diệu, 4 chị em bà gồm: chị, em dâu, chị gái, em gái đều ở vậy chờ chồng.
Bà nói trong hy vọng: “Anh rể thứ 8 và em rể thứ 10 cùng thằng Húng về được khiến tôi luôn hy vọng dù mong manh là chồng tôi được tàu nước ngoài vớt, đang sống ở xứ người mà chưa về kịp”.
Ông Võ Minh Thành, chồng bà Lê Thị Mỹ Dung (43 tuổi) mất tích trong cơn bão. Trước khi đi, ông còn dặn vợ giữ gìn sức khỏe, đi biển về, ông sẽ mua cho con trai mới sinh chiếc mùng ngủ tránh muỗi. Vậy mà…“Tui vẫn nuôi hy vọng vì chưa thấy xác”, bà Dung ngậm ngùi.