Cảm giác “lên đỉnh” khi làm chuyện ấy luôn được ví von giống như lên thiên đường nhưng có không ít người hoặc chưa từng tận hưởng hoặc khổ sở vì quá nhiều đến mức phải quyết định làm điều không ai ngờ.
Người đàn ông 14 năm kết hôn chỉ “lên đỉnh” một lần
Anh He Wei, 38 tuổi ở Đài Loan, Trung Quốc đã kết hôn được 14 năm nhưng anh chỉ làm “chuyện ấy” thành công với vợ duy nhất một lần đó là khi họ tắm cùng nhau. Kể từ sau lần đó, anh không bao giờ có thể “lên đỉnh” thêm một lần nào nữa dù vẫn có thể cương cứng.
Tình trạng của anh nghiêm trọng tới mức anh phải dùng thuốc nhưng vẫn không ổn. Các bác sĩ cũng bất lực với tình trạng của anh nên đành khuyên anh “tự sướng” cho đến khi gần cực khoái thì tiếp xúc với âm đạo của vợ để thụ thai.
Mặc dù sau đó cả hai cũng có con nhưng “chuyện ấy” không như ý muốn nên đời sống vợ chồng cũng không yên lành. Sau 14 năm, cả hai vợ chồng cuối cùng đã đi tới gặp bác sĩ Sun Menglin tại Trung tâm Sức khỏe tình dục ở Tân Bắc, Đài Loan.
Kết hôn 14 năm nhưng chỉ "lên đỉnh" được 1 lần khiến cuộc sống vợ chồng bế tắc. (Ảnh minh họa)
Sau khi tìm hiểu kỹ, bác sĩ Sun Menglin phát hiện “cậu nhỏ” của người chồng khá đặc biệt, nó uốn cong về bên trái và có một điểm nhạy cảm mà chỉ có thể chạm vào khi “tự sướng” còn khi quan hệ lại không thể chạm tới. Đó là lý do tại sao người chồng không bao giờ "lên đỉnh".
Bác sĩ sau đó gợi ý cả hai nên có màn dạo đầu trước khi yêu để kích thích “cậu nhỏ” và sau đó thử các tư thế khác nhau để phù hợp với cả 2. Sau 1 tháng, cặp vợ chồng đã đến gặp bác sĩ Sun Menglin cảm ơn vì đã giúp cả hai tìm lại niềm hạnh phúc.
Người đàn ông cứ "lên đỉnh" là bị mù
Một người đàn ông ở Đan Mạch cứ sau mỗi lần đạt cực khoái lại bị mù mắt tạm thời. Tuy nhiên, tình trạng này không hề xảy ra khi anh thực hiện bất cứ bài tập thể dục nặng nhọc nào. Vì vậy, anh đã phải nhờ các bác sĩ can thiệp để khắp phục tình trạng oái oăm này.
Theo Guyism, sau khi khám và làm các xét nghiệm, các bác sĩ khẳng định thủ phạm gây ra tình trạng trên là một bệnh lý về mạch máu. Theo báo cáo ban đầu của Khoa mắt, Bệnh viện Glostrup, Đại học Copehagen, Đan Mạch thì nguyên nhân gây nên tình trạng này là sự co mạch. Khi các cơ hoạt động, chúng chèn vào mạch máu và khiến các mạch máu co thắt.
Trong trường hợp của người đàn ông này, mỗi khi đạt khoái cảm, các cơ xung quanh mắt hoạt động mạnh đến mức khiến các mạch máu nuôi mắt bị co thắt, dẫn đến mù tạm thời. Sự co mạch cũng là một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng rối loạn cương dương.
Sau khi phát hiện ra một sự nghẽn mạch khiến người đàn ông bị mù mắt, các bác sĩ đã kê đơn thuốc giãn mạch cho anh và tình trạng này cuối cùng cũng chấm dứt.
Sự co mạch ở mắt đã dẫn tới tình trạng mù tạm thời khi "lên đỉnh". (Ảnh minh họa)
Không dám "lên đỉnh" vì chứng bệnh quái gở
Một chàng trai 25 tuổi giấu tên ở Massachusetts cho biết anh rất khó chịu mỗi khi “lên đỉnh” bởi cứ sau khi xuất tinh, nam thanh niên sẽ rơi vào tình trạng mệt mỏi, lờ đờ, yếu cơ. Cũng vì điều này mà sau mỗi khi quan hệ, anh không thể đi làm hay đi học.
Điều này cũng cản trở "chuyện ấy" khi anh phải kiêng "tự sướng" hay cố gắng không đạt cực khoái khi quan hệ. Ngoài ra, anh chỉ cho phép bản thân “lên đỉnh” sau 8-12 tuần để tránh bị mệt mỏi liên tục.
Sau đó, nam thanh niên quyết định đi khám nhưng chỉ được bác sĩ kê thuốc chống trầm cảm và thuốc chống rối loạn lo âu. Anh thậm chí còn tự tìm cách chữa trị bằng cách thay đổi chế độ ăn kiêng, dùng các chất bổ sung, thuốc kháng histamine nhưng không hiệu quả.
Cuối cùng vì không thể chịu nổi tình trạng này mãi, chàng trai trẻ đã tìm tới phòng khám Men Health. Tại đây, anh cho biết bản thân bắt đầu gặp phải vấn đề này từ năm 16 tuổi sau khi bước qua tuổi dậy thì.
Nam thanh niên mắc chứng đổ bệnh sau cực khoái nên cứ sau khi "lên đỉnh" sẽ bị mệt mỏi kéo dài. (Ảnh minh họa)
Sau khi kiểm tra, các bác sĩ tiết niệu phát hiện bệnh nhân có mức testosterone thấp. “Cơ thể của bệnh nhân rất chậm trong việc bổ sung hormone giới tính sau mỗi lần xuất tinh”, các bác sĩ tiết lộ. Người đàn ông sau cùng được chẩn đoán mắc hội chứng đổ bệnh sau cực khoái (POIS). Các triệu chứng của bệnh có thể kéo dài đến hai tuần và có thể tấn công ngay lập tức hoặc bị trì hoãn từ hai đến ba ngày.
May mắn cho anh khi tình trạng này có thể chữa khỏi. Các bác sĩ đã tiêm hormone HCG (human chorionic gonadotropin) làm tăng mức testosterone để điều trị cho anh chàng đau khổ. HCG đôi khi được gọi là "hormone thai kỳ" vì vai trò quan trọng của nó trong việc duy trì thai kỳ. Nhưng ở nam giới, tiêm hormone này có thể kích thích tinh hoàn sản xuất nhiều testosterone hơn.
Sau 6 tuần, vấn đề của anh đã được giải quyết hoàn toàn. Xét nghiệm máu cho thấy mức độ tổng testosterone của bệnh nhân cũng tăng lên. 6 tháng sau, người đàn ông vui mừng thông báo giờ anh có thể “tự xử” thoải mái mặc dù vẫn còn gặp một số ít triệu chứng nhưng chúng mau chóng hết sau 12 tiếng.
Trường hợp của anh đã được các chuyên gia từ Men Health Boston ở Massachusetts, Mỹ ghi lại trong Urology Case Reports.
Người đàn ông lên đỉnh 200 lần/ngày phải chuyển giới
Cũng gặp vấn đề với chuyện đạt cực khoái như hai người trên nhưng anh Dale Decker lại có hoàn cảnh éo le hơn nhiều. Anh Dale Decker (sinh năm 1977) sống tại bang Wisconsin (Mỹ) lại lên đỉnh rất nhiều, thậm chí nhiều tới mức khiến anh mệt mỏi.
Tình trạng lên đỉnh nhiều lần của anh bắt đầu vào tháng 9/2012, sau khi Decker đã gặp một chấn thương ở lưng. Điều kỳ lạ là sau đó anh đã liên tục trải qua 5 lần “lên đỉnh” khi đang trên đường đến Bệnh viện Holy Family Memorial, Wisconsin.
Ngày hôm sau, Decker thậm chí còn rơi vào tình trạng nghiêm trọng hơn, anh đã có tới 236 lần “lên đỉnh”, cơn co thắt liên tục khiến xương chậu của anh vô cùng đau đớn. Nhưng các y tá và bác sĩ không tin Decker, một bác sĩ thậm chí còn cười lớn.
Dale Decker mắc chứng rối loạn kích thích sinh dục dai dẳng khiến anh có lúc "lên đỉnh" 200 lần/ngày.
Sau đó, Decker được chẩn đoán mắc chứng rối loạn kích thích sinh dục dai dẳng hay còn gọi là PGAD. Đây là một tình trạng thường xảy ra ở phụ nữ hơn là nam giới, theo Viện Y tế Quốc gia (NIH). Những người bị PGAD bị kích thích bộ phận sinh dục đột ngột và thường xuyên khác với loại kích thích tình dục liên quan đến ham muốn. NIH lưu ý PGAD rất hiếm và nhiều người có thể không đi khám vì xấu hổ.
Các bác sĩ địa phương không biết cách điều trị tình trạng này và Decker phải tự chịu đựng trong suốt 2 năm. Cũng vì vậy mà Decker không thể làm việc, hoàn toàn phải ở nhà. Cuộc sống gia đình cũng rơi vào bế tắc.
Tình trạng này chấm dứt khi Decker đã quyết định chuyển giới sau khi anh nhận ra giới tính thật của bản thân. Từ nhỏ anh luôn thích trang điểm, mặc váy nhưng phải cố tỏ vẻ nam tính cho đến khi anh thấy một người công khai chuyển giới nên mới mạnh dạn sống thật với bản thân.
Việc chuyển giới đã chấm dứt tình trạng của anh.
Sau đó, anh được trị liệu tâm lý trước khi bắt đầu điều trị hormone. Thật đáng kinh ngạc, mức testosterone giảm dường như đã giúp chứng PGAS suy giảm, số lần cực khoái hàng ngày của Decker từ 100 xuống còn khoảng 8 lần/ngày.
Giờ đây, Decker đã kết thúc việc chuyển giới. Cô vẫn sống chung với vợ và các con. Hiện cô làm việc tại một cửa hàng tiện lợi địa phương, đăng ảnh tự sướng trên phương tiện truyền thông xã hội, sản xuất video, viết và bán sách.