Theo các chuyên gia tư vấn phong thủy, việc Tạ Mộ cuối năm rất quan trọng. Đây là cách để con cháu cảm ơn thần linh, thổ địa khu vực có mộ phần. Bên cạnh đó, tạ mộ không chỉ tạ “các cụ” nhà mình mà còn được hiểu là tạ ơn Phật thánh, quan thần linh bản địa, chư vị tôn thần,… đã cho các cụ nương nhờ mảnh đất đó.
Nhờ vậy các cụ mới dễ dàng "đi về" mà phù hộ cho con cháu làm ăn có tài lộc. Ngoài ra, việc tạ mộ còn là một nghi thức để giáo dục cho đời sau về lòng hiếu thảo, tri ân các bậc tiền nhân. Vì vậy, dưới đây là 6 điều vô cùng quan trọng khi làm lễ tạ mộ vào thời điểm cuối năm mà gia chủ cần phải biết.
Ý nghĩa của lễ Tạ Mộ
Theo phong tục tâm linh, nếu bàn thờ và phần mộ của tổ tiên được chăm sóc tốt và đúng cách thì con cháu sẽ được “phù hộ độ trì”. Còn nếu phần mộ bị bỏ bê không chăm sóc tốt thì rất có thể con cháu sẽ làm ăn suy kiệt, tiền tài thất thoát.
Tuy nhiên mọi người cần phân biệt rõ giữa lê Tảo Mộ và lễ Tạ Mộ. Lễ Tảo Mộ mang nghĩa đen là quét mộ, dọn dẹp mộ và thường diễn ra vào dịp Tiết Thanh Minh . Đồng thời, công việc chính của Tảo Mộ là sửa sang các ngôi mộ của tổ tiên cho được sạch sẽ.
Còn Lễ Tạ Mộ hay còn gọi là lễ Chạp lại được diễn ra vào những ngày giáp Tết. Với ý nghĩa là lễ tạ Thổ Thần, đắp thêm đất lên mộ, sửa sang mộ phần và rước vong linh gia tiên về nhà để đón Tết.
Nếu như gia đình nào không có điều kiện để ra mộ thì có thể tiến hành lễ rước gia tiên về đón năm mới theo cách như sau. Hãy bày mâm cỗ lên bàn thờ, thắp đèn, hương hoa dâng cúng vào giờ Ngọ ngày 30 Tết. Sau đó, khấn tổ tiên và hưởng Tết cùng với gia đình.
Thời gian tốt nhất để làm lễ Tạ mộ?
Tuỳ theo phong tục từng nơi nên lễ Tạ Mộ chỉ diễn ra mang tính chất gia đình nhỏ hoặc đi theo dòng họ. Những người quanh năm đi làm ăn xa thường trở về cố hương vào dịp Tết để Tạ Mộ, sum họp với gia đình.
Tạ Mộ theo dòng tộc thường quy định trong ngày giáp Tết để thân tộc cùng gặp mặt cuối năm tại nhà thờ họ để cúng lễ, dọn dẹp, trang hoàng,… đón Tết. Ngoài ra, thời gian làm lễ này thường vào ngày nghỉ để mọi người có mặt đông đủ hơn.
Bên cạnh đó, thời gian Tạ Mộ sẽ là sau lễ Táo quân chầu Trời, kéo dài tới 30 tháng Chạp âm lịch để kết hợp mời ông bà về ăn Tết vào trưa 30 Tết.
Những việc phải làm khi đi Tạ Mộ
Công việc chính trong lễ Tạ Mộ là dọn dẹp sạch sẽ cho phong quang, thoáng đãng mộ phần của người đã mất. Hơn thế nữa, gia chủ cũng có thể đắp lại nấm mộ cho đầy đặn, rẫy hết cỏ dại, cây hoang mọc trùm lên mộ.
Việc làm này cũng là cách giảm bớt rắn, chuột đào hang, làm tổ ở phần mộ. Bên cạnh đó, các cụ già sẽ lo việc cúng khấn tổ tiên nơi phần mộ.
Lễ vật Tạ Mộ
Sắm lễ, bày lễ để cúng Tạ Mộ ngoài đồng cuối năm là việc làm vô cùng quan trọng. Bởi nó có ý nghĩa cảm tạ thần linh, thổ địa đã che chở cho người đã khuất và cảm tạ ông bà tổ tiên luôn bảo vệ, phù hộ cho con cháu, mời tổ tiên về ăn tết.
Do đó, phần sắm lễ Tạ Mộ cuối năm sẽ bao gồm có 2 loại lễ là lễ tạ thần linh, thổ địa nơi táng tại phần mộ và đồ lễ tạ tổ tiên cúng Tạ Mộ cuối năm.
Trong lễ tạ thần linh, phần lễ tạ này nên có mâm xôi gà hoặc xôi giò. Nếu nghĩa trang có miếu cho thần linh thì nên mang lễ ra đó bày và dâng sớ Tạ Mộ, khấn tạ. Nếu nghĩa trang không có miếu thần linh thì đặt cạnh mộ và khấn, vái lạy đất trời.
Còn với lễ Tạ Mộ cuối năm cho tổ tiên ngoài đồng thì gia chủ nên chuẩn bị hương, trái cây, hoa tươi, trầu cau, rượu trắng, chè thuốc, nến cốc và sớ lễ Tạ Mộ, vàng mã. Ngoài ra, bạn cũng có thể chuẩn bị thêm quần áo và vật dụng cho ông bà.
Lễ vật cúng tạ lăng mộ có thể đơn giản và không quá cầu kỳ nhưng cần phải thành tâm dâng kính hướng về người đã mất.
Hãy quan tâm đến mộ phần dòng họ
Đi lễ Tạ Mộ bạn hãy lưu tâm đến tất cả các cụ trong dòng họ. Ngoài các cụ gần đời mình như cha mẹ, ông bà tới tam đại, tứ đại thì cần quan tâm tới “các cụ cao hơn” được gọi là cao tằng tổ tỉ, cao tằng tổ khảo.
Bên cạnh đó, bạn cũng không nên chỉ thắp hương mỗi nhà mình, mà với “xóm giềng” cạnh các cụ cũng nên “thăm hỏi”. Nếu có những ngôi mộ vô chủ cũng hãy thắp cho “họ” nén hương.
Theo tâm linh thì “phương tiện” để con cháu tưởng nhớ, kết nối với gia tiên là bàn thờ và mộ phần. Bàn thờ và mộ phần tổ tiên được chăm sóc tốt và đúng cách con cháu sẽ được phù hộ. Nếu không con cháu có thể bị ảnh hưởng, bởi “âm siêu, dương thái” – nghĩa là phần âm có nhẹ nhàng siêu thoát thì các cụ mới phù hộ được cho con cháu.
Ai không nên đi tạ mộ
Người muốn đi tạ mộ trước hết phải chú ý tới tình trạng sức khỏe của mình. Đó là những phụ nữ có thai, người ốm yếu, đau bệnh,… không nên ra mộ. Phụ nữ đang kỳ “đèn đỏ” cũng không nên tới mộ phần, nghĩa trang. Và, trẻ dưới 10 tuổi cũng không nên cho đi theo ra nghĩa trang.
Việc kiêng kỵ này không phải mê tín mà hoàn toàn có cơ sở khoa học. Bởi vì, những đối tượng này rất dễ bị nhiễm âm khí, phong hàn hoặc một số bệnh thời khí,… rồi sẽ tưởng bị ma tà, quỷ quái và trở thành “mồi” cho các chiêu trò mê tín, dị đoan.