Thập kỷ 70 của thế kỷ trước, Giáo sư Nguyễn Tài Thu đã áp dụng thành công phương pháp cấy chỉ trong điều trị bệnh hen phế quản. Từ đó đến nay, phương pháp cấy chỉ được áp dụng rộng rãi trên cả nước. Đây là một phương pháp độc đáo, ít tốn kém và mang lại hiệu quả cao cho người bệnh.
Phương pháp cấy chỉ là gì?
Phương pháp cấy chỉ là việc đưa chỉ tự tiêu (chỉ catgut) vào huyệt vị châm cứu của hệ kinh lạc bằng kim chuyên dụng để duy trì sự kích thích lâu dài, qua đó tạo tác dụng điều trị như châm cứu.
Đây được coi là một phương pháp ít xâm lấn, đảm bảo vô khuẩn tốt và mang lại hiệu quả cao. Hơn nữa, chi phí thấp hơn so với các phương pháp điều trị khác.
Tuy nhiên vì chỉ catgut bản chất là một protit tự tiêu trong vòng 20 -25 ngày nên cần cấy nhắc lại trung bình thời gian mỗi 20 ngày hoặc khoảng 1 tháng.
Cơ chế tác dụng của phương pháp cấy chỉ
Theo y học cổ truyền, cấy chỉ là một hình thức tác động vào các huyệt vị từ đó có tác dụng điều hòa âm dương, khí huyết, khai thông kinh lạc, chỉ thống.
Theo y học hiện đại, chỉ tự tiêu cấy vào huyệt vị đã kích thích sự thay đổi đáp ứng miễn dịch của cơ thể, có tác dụng làm tăng protein, cacbonhydrat và tăng chuyển hóa dinh dưỡng của cơ. Đồng thời tăng sinh các chất có tác dụng giảm đau chống viêm.
Bệnh nào có thể cấy chỉ?
Dựa trên điều trị lâm sàng đã cho thấy cấy chỉ đặc biệt có hiệu quả với các bệnh sau:
- Bệnh miễn dịch dị ứng như mày đau, viêm mũi dị ứng.
- Hen phế quản, hỗ trợ điều trị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính.
- Liệt dây thần kinh số 7 ngoại biên do lạnh, chứng TIC.
Ngoài ra phương pháp cấy chỉ còn được dùng để điều trị:
- Hỗ trợ điều trị liệt nửa người cho bệnh nhân bị tai biến mạch máu não.
- Hỗ trợ điều trị các bệnh thoái hóa khớp, thoái hóa cột sống.
- Hỗ trợ điều trị giảm béo, bệnh rối loạn chuyển hóa lipid.
- Hỗ trợ điều trị cho trẻ tự kỉ, bại não.
Một số lưu ý khi cấy chỉ
Cấy chỉ có thể xảy ra biến chứng là nhiễm khuẩn do không thực hiện tốt công tác vô khuẩn như bác sĩ không đi găng tay bảo vệ, cơ thể người bệnh không sạch sẽ hoặc sau khi cấy chỉ người bệnh tiếp xúc với môi trường ô nhiễm. Do đó người bệnh cần đến những cơ sở y tế, bệnh viện uy tín có quy trình đảm bảo vô khuẩn tốt.
Người bệnh cần giữ gìn vệ sinh cá nhân trước khi đến cấy chỉ.
Trước và sau khi cấy chỉ, người bệnh cần chú ý không nên ăn quá no, không quá đói, không uống các chất kích thích, không lao động quá sức. Nếu cơ thể mệt mỏi thì không nên thực hiện phương pháp cấy chỉ.
Sau khi cấy chỉ, người bệnh phải ngồi nghỉ tại cơ sở y tế khoảng 10 – 15 phút. Cần kiêng tắm từ 4 đến 6 giờ sau cấy chỉ. Không nên ăn các loại thức ăn tanh như tôm, cua, cá và đồ nếp.
Bác sĩ Mai Ánh Điệp
Bệnh viện Đa khoa Y học Cố truyền Hà Nội