Nghiên cứu cho thấy, cứ 6 bà mẹ ở Úc thì có một người gặp phải chứng trầm cảm sau sinh. Dưới đây là những điều bạn cần biết về vấn đề này.
Thế nào là Trầm Cảm sau khi sinh?
Nếu bạn có cảm giác chán nản và lo lắng trong giai đoạn bắt đầu mang thai cho đến khi trẻ được 1 tuổi, đó được xem là chứng trầm cảm thời kì mang thai và sau khi sinh con.
Chứng bệnh này phổ biến như thế nào?
Cứ 6 người phụ nữ thì có một người mắc phải chứng trầm cảm và lo lắng sau sinh. Ở nam giới thì 10 người lại có 1 người bị ảnh hưởng bởi chứng bệnh này, chiếm gần 100.000 người làm bố mẹ ở Úc mỗi năm.
Những dấu hiệu cho thấy bạn mắc chứng trầm cảm và lo lắng sau sinh:
Chris Barnes - nhà tâm lý học của quỹ Gidget nói với tờ Women's Health rằng: "Những dấu hiệu phổ biến nhất của chứng trầm cảm sau sinh là tâm trạng mệt mỏi, không cảm thấy vui vẻ, hứng thú trong đời sống hàng ngày, lo lắng quá nhiều về sức khỏe của bé đến mức gặp khó khăn trong việc giải quyết vấn đề. Bên cạnh đó còn có cảm giác chán ăn, hoặc thèm ăn và rối loạn giấc ngủ. Nhiều lúc có triệu chứng buồn nôn, lòng bàn tay ra nhiều mồ hôi, thậm chí thỉnh thoảng bị hoảng loạn vô cớ. Các triệu chứng nghiêm trọng hơn bao gồm suy nghĩ có thể làm hại đến trẻ và thậm chí là bản thân người làm cha, mẹ.
Theo Gidget, các triệu chứng khác bao gồm:
- Không thể tập trung đưa ra các quyết định, hay là tập trung làm việc.
- Cảm thấy vụng về, lóng ngóng, vô vọng, có khoảng cách với người thân, bạn bè.
- Mất kiểm soát, thậm chí là điên rồ, hiếu động quá mức.
- Cảm thấy tội lỗi, xấu hổ, hay suy nghĩ lặp đi lặp lại về một vấn đề nào đó.
- Cảm thấy như bị mắc kẹt ở một nơi tối tăm nào đó và không có lối thoát.
- Thường cảm thấy đau buồn, mất mát, tức giận và buồn rầu.
- Cảm giác thờ ơ hoặc hiếu động quá mức.
Chris cho biết: "Để có thể chẩn đoán được bệnh liên quan đến các triệu chứng trên thì các triệu chứng này phải lặp đi lặp lại ít nhất là 2 tuần."
Làm cách nào để phân biệt chứng Trầm cảm sau sinh và "Baby blues"?
Nhiều bà mẹ trẻ đã phải trải qua hội chứng "Baby blues" (trạng thái khóc lóc và ủ rũ sau sinh) từ 3 đến 10 ngày sau sinh vì mức hoocmon bị thay đổi, và những triệu chứng khác nghiêm trọng hơn cũng có thể xảy ra sau đó. Chris phát biểu rằng: "Rất khó để phân biệt được đó là triệu chứng của trầm cảm sau sinh hay là "baby blues" đặc biệt nếu đó là con đầu của bạn. Đó là lý do vì sao hầu hết phụ nữ chịu đựng một mình trong im lặng. Họ nghĩ rằng những cảm giác đó là bình thường, và họ cảm thấy xấu hổ hoặc có một sự kì thị nào đó trong việc chẩn đoán lâm sàn. Thường thì phụ nữ giữ im lặng, vì vậy cho dù là bạn đời của họ hay bác sĩ đa khoa cũng khó có thể phát hiện được."
Để phát hiện ra chứng bệnh này quả thật là một việc khá khó vì họ chỉ thỉnh thoảng cảm thấy không thoải mái và họ không hiểu được chính bản thân mình. Có một số người sẽ nói chuyện với ai đó như vợ hoặc chồng, hay trao đổi với một nhóm các bà mẹ khác, hoặc nói chuyện với mẹ hay bạn bè của họ với hy vọng giải quyết được vấn đề.
Liệu một số phụ nữ có khả năng chịu đựng tốt hơn những người khác?
Chris cho hay: "Nếu bạn có tiền sử bị trầm cảm, thường xuyên lo lắng hay chấn thương về tâm lý, bạn có nhiều khả năng mắc phải trầm cảm sau sinh. Đồng thời nếu như bạn đã từng mắc phải hội chứng này trong lần mang thai đầu tiên, bạn có nhiều khả năng sẽ bị trầm cảm trở lại trong những lần mang thai sau.
Các nguyên nhân khác bao gồm:
- Con sinh ra bị các vấn đề về sức khỏe hoặc có những nhu cầu đặc biệt.
- Gặp khó khăn với việc cho con bú.
- Gặp vấn đề trong quan hệ vợ chồng.
- Không có sự hỗ trợ.
- Gặp khó khăn về tài chính.
Làm thế nào để điều trị bệnh trầm cảm sau sinh?
Nói chuyện với bác sĩ, có thể là bác sĩ phụ khoa, hoặc chuyên gia về trầm cảm sau sinh, hay là chuyên gia tâm lý để tìm hướng giải quyết thích hợp.
"Học các phương pháp thư giãn, chuẩn bị các kiến thức cơ bản về chứng lo lắng, trầm cảm sau sinh và cả những gì bạn có thể làm để khiến cho hội chứng này trở nên tốt hơn như ngồi thiền, sử dụng dầu cá vào ban ngày, bổ sung khoáng chất magie vào buổi tối, dành thời gian ra ngoài thư giản, đảm bảo bạn phải có thời gian để nghỉ ngơi. Tuy nhiên, nếu bạn không có gia đình, bạn bè bên cạnh, bạn sẽ không làm được gì cả.
Chơi thể thao mỗi ngày, việc này thực sự quan trọng để tăng hàm lượng edorphin tự nhiên trong cơ thể, đây là một chất dẫn truyền thần kinh trong não bộ có tác dụng tạo cảm xúc tích cực, cải thiện tâm trạng, giảm đau và nhiều hơn thế nữa. Bên cạnh đó, sử dụng thuốc là điều hết sức cần thiết khi các liệu pháp trên không có tác dụng, đặc biệt là đối với người có tiền sử bị trầm cảm. Thuốc chống trầm cảm được xem là an toàn trong thai kì và cũng được sử dụng khi mắc phải chứng lo âu sau sinh."
Chris cũng nói rằng: "Người bạn đời chính là yếu tố quyết định ảnh hưởng đến chứng trầm cảm sau khi sinh."
"Những người mắc chứng trầm cảm sau sinh thường cảm thấy đau khổ cũng như là cảm thấy có khoảng cách, cô đơn, thậm chí muốn rút lui. Điều này gây ảnh hưởng đến cả gia đình. Do đó cần tập trung toàn bộ vào cảm xúc của người mắc hội chứng này để chữa trị".
Chúng ta có thể làm gì đễ hỗ trợ người mắc phải chứng trầm cảm sau sinh?
Đó là chỉ cần quan tâm họ với câu hỏi: "Em/ anh có ổn không?". Chris khuyên: "Hãy lắng nghe bất cứ điều gì dù là không đúng từ người đó. Hãy tỏ lòng tử tế và bao dung. Hãy lắng nghe thật chân thành và giúp họ tìm kiếm sự giúp đỡ, hãy đặt câu hỏi một cách thật cởi mở, luôn sẵn sàng lắng nghe, không phán xét và cho họ sự trợ giúp chuyên nghiệp. Đó chính là giải pháp tốt nhất!".