Nhiều ý kiến cho rằng một mối quan hệ nếu như tách bạch yếu tố tình dục thì không vấn đề gì, và ngoại tình tư tưởng cũng thế. Vậy khi có những cảm xúc, suy tư hướng về một cá nhân không phải người bạn đời của mình thì có được cho là biểu hiện "bình thường và trong sáng" như nhiều người vẫn tưởng?
Cuộc sống thời nay mở ra nhiều cơ hội cho con người được giao tiếp rộng hơn, kéo theo nguy cơ ngoại tình tư tưởng càng phổ biến. Không ít người thừa nhận bản thân đã nhiều hơn một lần "cảm thấy có lỗi" với bạn đời. Đáng lo ở đây là hầu hết chúng ta đều mơ hồ đặt câu hỏi "như vậy có sai trái không?" khi ranh giới xác định rất mong manh.
Hay "kể xấu" người bạn đời của mình
Đây không chỉ là biểu hiện của việc ngoại tình tư tưởng mà còn là hành vi nên tránh trong một mối quan hệ, vì điều này không khác gì việc bạn công khai bất mãn về người bạn đời của mình. Hãy nghĩ xa hơn, nếu người trong cuộc biết rằng bạn chê họ không hoàn hảo thì sẽ có cảm giác gì? Chính là cảm giác bị phản bội!
Dễ bắt chuyện với người lạ mặt
Không vấn đề gì nếu bạn là người cởi mở và dễ chủ động bắt chuyện với ai đó. Nhưng nếu đối phương "thả thính" ngược lại mà bạn vẫn "đớp thính", thì đó chính là dấu hiệu ngoại tình tư tưởng. Sự "đưa đẩy" trong cách buôn chuyện và tán tỉnh qua lại dễ mang đến những rung động và kích thích sự tò mò nhiều hơn về người kia. Không chung thuỷ về mặt cảm xúc cũng nguy hiểm như ngoại tình thể xác, vì đó sẽ là tiền đề cho những sai lầm lớn hơn sau này.
Quan hệ "trong giấc mơ"
Nghiên cứu chỉ ra giấc mơ về đêm phản ánh thực tế suy nghĩ ban ngày. Việc "lên giường" với một ai đó dù là trong mơ chính là biểu hiện trực tiếp cho sự không hài lòng về đời sống gối chăn. Nếu bạn đời biết được bạn không hài lòng về mình mà không chia sẻ thì hậu quả ra sao? Và thực tế ngoài đời khi bạn tìm được người "ưng mắt", phải chăng bạn cũng dễ dàng "nhắm mắt đưa chân" chỉ để thử cảm giác "thoả mãn"?
Người bạn "bí mật"
Ai cũng có những mối quan hệ bạn bè khác phái nhưng việc giữ kín cho riêng mình không chia sẻ thì lại là vấn đề khác. Có người cho rằng mối quan hệ này không dẫn đến đâu nên dù có phát sinh tình cảm đặc biệt đi nữa thì cũng là bình thường nếu không nói ra. Tuy nhiên việc giữ kín với bạn đời vẫn là ngoại tình tư tưởng, vì chứng tỏ bạn lo sợ sẽ có hiểu lầm về sự thân thiết của cả hai. Cách tốt nhất là hãy công khai giới thiệu cả hai với nhau.
Thói quen "thả thính"
Việc đong đưa, đem chuyện ghép đôi với nhau ra trêu đùa khi trò chuyện với bạn bè, đồng nghiệp cũng là một cách phổ biến để thêm gia vị, màu sắc cho câu chuyện. Nhưng nếu vẫn duy trì thói quen "thả thính" này khi bạn đang có một mối quan hệ nghiêm túc thì rõ ràng có vấn đề không nhỏ, dù cho bạn thực sự có vô tư thế nào. Những câu đùa "vô thưởng vô phạt" ấy rất dễ làm nảy sinh những suy nghĩ lệch lạc, gây hiểu lầm cho người khác, chưa kể còn có thể khiến chồng hoặc vợ bạn dễ "giận cá chém thớt" khi tranh cãi.
Mối quan hệ "ảo"
Như đã nói, cuộc sống hiện đại kéo theo nhiều mối quan hệ "ảo" trên mạng xã hội. Đã bao giờ bạn khiến người bên cạnh không vui chỉ vì dành quá nhiều tâm trí, thời gian cho chiếc điện thoại? Nhiều người vẫn cười trừ vì điều này vốn bình thường trong thời đại smartphone. Nhưng nếu những khi hẹn hò bên cạnh nhau, đối phương vẫn dán mắt vào màn hình điện thoại, vẫn ưu tiên mở điện thoại khi thức giấc thay vì chào hỏi hay hôn mình thì liệu có bình thường? Đó là lúc bạn nên giật mình về bản thân khi có nhiều mối quan hệ "ảo" hơn cả bằng xương, bằng thịt ngoài đời.
Hệ lụy của ngoại tình tư tưởng
Ngoại tình tư tưởng xét cho cùng đáng sợ hơn cả ngoại tình thực sự. Đơn giản vì không ai nhìn thấy và kiểm soát được nguy cơ của tình huống đang và sẽ diễn ra. Nhiều người vẫn cho rằng đó đơn giản là giải toả cảm xúc nhất thời, khi "vẽ" nên một thế giới tưởng tượng cùng đối tượng yêu thích mà không có vợ hoặc chồng mình trong đó. Tất nhiên, những thứ tình cảm viển vông thì sẽ không ích lợi gì cả, thậm chí còn khiến nhiều gia đình đổ vỡ.