Đột quỵ trong ngày Tết
Theo thạc sĩ, bác sĩ Trần Quốc Khánh, Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội) chia sẻ dịp Tết chính là yếu tố làm tăng nguy cơ đột quỵ. Đặc biệt, bác sĩ Khánh cho biết mới đây nhất tại bệnh viện Việt Đức cũng xảy ra trường hợp một người cha tới bệnh viện chăm sóc con và bị đột quỵ. Dù cơn đột quỵ xảy ra ngay tại bệnh viện, các bác sĩ cố gắng hỗ trợ nhưng cũng không thành công. Người bệnh đã tử vong ngay sau đó.
Nói tới đột quỵ, gia đình chị Nguyễn Quỳnh Anh (Hà Nội) vẫn chưa nguôi ngoai nỗi đau chồng chị năm ngoái sau đợt nghỉ lễ anh đã bị đột quỵ phải vào viện cấp cứu. Vì bị xuất huyết não nên không cứu được. Anh ra đi vào đúng mùng 4 Tết âm lịch trong nỗi đau vô bờ bến của cả gia đình.
Chị Quỳnh Anh kể, chồng chị vốn khỏe mạnh. Cả Tết gia đình còn vui vẻ bên nhau. Mùng 3 Tết vợ chồng chị về quê chơi và đến sáng mùng 4 ra Hà Nội để nghỉ ngơi cho kỳ nghỉ Tết. Đến chiều mùng 4 Tết chồng chị than với vợ con đau đầu và đi ngủ. Chị Quỳnh Anh nghĩ chồng mệt mỏi, thay đổi thời tiết nên đau đầu là bình thường. Tuy nhiên, nửa tiếng sau, chồng chị đau đầu dữ dội và tử vong ngay trước mặt vợ con không thể giúp anh được gì vì ca bệnh quá nặng.
Khi đưa chồng chị ra nghĩa trang Văn Điển, chị Quỳnh Anh cũng chứng kiến nhiều đám tang đều liên quan tới đột quỵ mà không phải là bệnh lý khác. Nhiều người cũng chỉ bằng tuổi chồng chị cũng ra đi mãi mãi sau cơn đột quỵ.
Vào ngày Tết, số ca đột quỵ liên tục tăng, đặc biệt vào dịp thời tiết thay đổi như hiện nay ở miền Bắc. Mưa lạnh, nắng nóng thất thường cộng với lối sinh hoạt thất thường, thay đổi trong ngày Tết là nguy cơ cảnh báo cơn đột quỵ ngày đầu năm càng nhiều hơn.
Thay đổi ngày Tết làm gia tăng cơn đột quỵ
Theo thạc sĩ Khánh, ngày Tết, người dân thay đổi thói quen sinh hoạt như ăn uống thất thường, ngủ khuya, bỏ quên thuốc khi có các bệnh lý đã làm gia tăng nguy cơ mắc đột quỵ.
Theo bác sĩ Khánh, dấu hiệu để cảnh báo cơn đột quỵ là đột ngột đau nhức đầu hoặc đang ăn cơm tự nhiên rơi đũa hoặc lắp bắp nói khó (dấu hiệu của đột quỵ).
Khi thấy người xung quanh có dấu hiệu của đột quỵ, những người xung quanh nhanh chóng thực hiện các biện pháp để nhận biết dấu hiệu đột quỵ. Ví dụ: Bảo người bệnh giơ tay lên nên không giơ được tay lên là điểm ghi nhớ thứ nhất.
Bảo người bệnh chào, nếu nói không được là dấu hiệu cảnh báo thứ hai. Cười, nếu người bệnh cười méo miệng. Khi cả ba điểm này đều có thì chứng tỏ người đó đã mắc cơn đột quỵ.
Đột quỵ ở thể xuất huyết não thì dấu hiệu rầm rộ hơn. Người bệnh có dấu hiệu đau đầu, nôn ói thì nhanh chóng gọi xe cấp cứu đưa vào bệnh viên. Bác sĩ nhấn mạnh đột quỵ không có biện pháp nào sơ cứu và chỉ tìm cách nhanh nhất đưa người bệnh tới bệnh viện.
Thạc sĩ Khánh khuyến cáo, ngày Tết, người dân nên chú ý an toàn cho sức khỏe của mình. Với những người bị bệnh tăng huyết áp, bệnh đái tháo đường, mỡ máu cần hết sức cảnh giác. Luôn luôn nhớ tới thuốc không được bỏ quên thuốc.
Mọi người cần duy trì những thói quen tốt hằng ngày từ trước như ngủ-thức đúng giờ, tập thể dục mỗi ngày. Trong ăn uống, bác sĩ Khánh nhấn mạnh người dân nên tránh những thói quen ăn uống không tốt cho sức khoẻ như ăn quá nhiều đồ ngọt, ăn quá mặn, ăn nhiều bánh kẹo-thịt hộp và đồ chế biến sẵn, hút thuốc lá và bia rượu. Dù là ngày Tết nhưng cũng nên tập trung ăn sáng đầy đủ, trưa và tối ăn ít hơn.
Những người bị bệnh đái tháo đường, tăng huyết áp, các bệnh mãn tính khác cần đến gặp bác sĩ để tư vấn trước khi nghỉ Tết. Khi có bất thường cần liên hệ với bác sĩ ngay, không nên ngại đến bệnh viện vào ngày Tết vì e dè đi bệnh viện đầu năm thì càng có nguy cơ bệnh tật nặng hơn.