Thời tiết trở lạnh mùa đông là yếu tố tạo điều kiện thuận lợi cho virus, vi khuẩn gây bệnh gia tăng, nhất là các bệnh về đường hô hấp. Đặc biệt, với trẻ em, do cơ thể còn non yếu, đặc điểm đường thở ngắn và hẹp, hơn nữa lại chưa biết cách bảo vệ bản thân, nhất là khi đi học tiếp xúc với bạn bè, cộng với hệ miễn dịch chưa hoàn thiện nên trẻ có nguy cơ mắc bệnh cao hơn.
Các bệnh đường hô hấp phổ biến ở trẻ nhỏ trong mùa lạnh
Trong những ngày mùa đông lạnh giá, trẻ nhỏ cần được giữ gìn sức khỏe để phòng ngừa những bệnh đường hô hấp. Có những bệnh tưởng chừng phổ biến nhưng nếu để kéo dài có thể dẫn đến những ảnh hưởng không nhỏ tới sức khỏe của trẻ.
Viêm phế quản
Có thể xảy ra ở bất cứ lứa tuổi nào, thường sau khi thay đổi thời tiết nhưng ở trẻ nhỏ rất dễ hay mắc phải. Khi bị viêm phế quản, trẻ cảm thấy khó thở, hơi thở nặng nhọc, hay khò khè trong họng, ho nhiều, rát họng, có đờm và bị chảy nước mũi. Khi trẻ ho có đờm trắng vàng đục, cần phải đưa đi khám ngay để tránh trường hợp bé bị nhiễm trùng thứ cấp.
Bệnh viêm mũi
Viêm mũi là bệnh trẻ thường gặp vào thời tiết giao mùa. Nếu không được điều trị dứt điểm, bệnh tái phát nhiều lần sẽ dẫn đến biến chứng như viêm phổi, viêm tai, viêm tai giữa cấp, viêm xoang cấp. Khi trẻ bị viêm mũi, người chăm trẻ cần dùng dung dịch nước muối 0,9%, ngày 3 – 4 lần nhỏ cho đến khi trẻ hết chảy nước mũi.
Viêm họng
Viêm họng là tình trạng viêm nhiễm ở niêm mạc họng, do môi trường không sạch, nhiều khói bụi, ẩm thấp và do thời tiết lạnh. Bệnh có những triệu chứng điển hình như: Sốt, khô và đau rát cổ họng, ho khan hoặc ho có đờm, chảy nước mũi, đau đầu. Bệnh có thể gây biến chứng viêm mũi xoang, viêm tai giữa, viêm VA, viêm phế quản, viêm phổi.
Viêm thanh quản và viêm thanh khí phế quản cấp
Trẻ ở độ tuổi từ 6 tháng đến 6 tuổi là đối tượng dễ mắc viêm thanh quản và viêm thanh khí phế quản cấp.
Khi trẻ khởi phát bệnh sẽ bị viêm mũi họng thông thường, khàn tiếng, tắt tiếng, khò khè, thở rít, co lõm hõm ức và lồng ngực. Khi bị nặng hơn trẻ sẽ ho rất nhiều, có thể khó thở, thở gấp, vã mồ hôi…
Viêm thanh thiệt cấp
Độ tuổi dễ mắc nhất là 2-6 tuổi, trẻ có biểu hiện sốt cao, nuốt đau, họng ứ đọng nhiều nước bọt, nổi hạch 2 bên cổ, thay đổi giọng nói, mất tiếng, ho khan ho có đờm, khó thở…
Bệnh viêm thanh thiệt cấp tiến triển rất nhanh và nặng, nếu không xử lý kịp thời trẻ có thể tử vong.
Viêm amidan
Đây là bệnh đường hô hấp thường gặp nhất ở trẻ nhỏ. Triệu chứng chính của bệnh là những cơn sốt tái đi tái lại, đau họng, sưng amidan, mủ trắng trong amidan.
Viêm phổi
Bệnh xảy ra do vi khuẩn Hib và phế cầu khuẩn, trẻ có triệu chứng thở nhanh bất thường, ho kèm khò khè, sốt cao, thở mệt… Khi bệnh nghiêm trọng có thể gây tử vong cho trẻ. Không giống như các bệnh mùa đông thông thường khác, viêm phổi thường do nhiễm vi khuẩn. Bệnh có thể biểu hiện theo nhiều cách khác nhau. Đôi khi bệnh bắt đầu như bệnh cảm lạnh, sau đó có dấu hiệu nặng hơn. Nếu trẻ bị cảm lạnh trong vài ngày và đột nhiên bị sốt cao, ho nặng hơn, đây có thể là dấu hiệu của viêm phổi, cần cho trẻ đến ngay các cơ sở y tế để khám.
Không chủ quan với bệnh hô hấp mùa lạnh ở trẻ
Theo các chuyên gia, trong thời điểm giao mùa, đặc biệt khi nhiệt độ giảm sâu sẽ gây ảnh hưởng đến sức khỏe, dễ nhiễm các bệnh liên quan đến đường hô hấp. Các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp mặc dù có thể thuyên giảm và khỏi sau khi nghỉ ngơi, bổ sung dinh dưỡng, uống nhiều nước và dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ... nhưng đôi khi có những trường hợp có thể dẫn đến bội nhiễm vi khuẩn, ảnh hưởng đến sức khỏe và mất thời gian trong điều trị.
Theo các bác sĩ khuyến cáo, để phòng ngừa bệnh hô hấp mùa lạnh cho trẻ nhỏ, cha mẹ đặc biệt lưu ý 3 việc: Thứ nhất, giữ ấm cho con; Thứ hai, giữ vệ sinh sạch sẽ; Thứ ba, tăng cường miễn dịch cho con.
Cha mẹ nên giữ con ở trong nhà cho ấm, nếu không có việc thật cần thiết thì không nên ra ngoài. Nếu ra ngoài thì cần mặc ấm cho con, nhất là giữ ấm mặt, cổ, ngực bằng cách đeo khẩu trang, đội mũ, quàng khăn...
Bên cạnh việc chú ý giữ vệ sinh cá nhân, mẹ cần giữ đường hô hấp cho con sạch sẽ, làm sạch mũi cho con mỗi ngày.
Cuối cùng, mẹ nên tăng cường đề kháng, miễn dịch cho con bằng cách cho con ăn uống đúng giờ, đủ các chất gồm đạm, tinh bột, chất béo và vitamin, đồng thời duy trì chế độ sinh hoạt ngủ nghỉ đảm bảo khoa học. Mẹ cũng có thể cho con dùng thêm các sản phẩm dinh dưỡng có chứa thành phần kháng thể IgG để tăng cường hệ miễn dịch và sức đề kháng của con. Theo các chuyên gia, sữa non 24h chứa hàm lượng kháng thể IgG cao nhất và đạt được các tiêu chí là nguồn dinh dưỡng "vàng" dành cho trẻ trong việc cải thiện và tăng cường miễn dịch.
Với hệ miễn dịch còn yếu và chưa hoàn thiện, trẻ em là đối tượng non nớt rất dễ bị virus và vi khuẩn tấn công. Trong tình hình dịch bệnh đang ngày càng diễn biến phức tạp, tăng cường miễn dịch tự nhiên qua dinh dưỡng là việc đơn giản nhất mà mẹ có thể dễ dàng làm được cho con.