Từ đầu mùa hè đến nay, tại Khoa Bỏng - Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn tiếp nhận khá nhiều bệnh nhân vào cấp cứu, điều trị bỏng do nguyên nhân bỏng cồn khi nướng cá mực. Đặc biệt trong tuần cuối tháng 6 đầu tháng 7 này, số bệnh nhân cấp cứu bỏng cồn do nướng mực tăng mạnh.
Điển hình là trường hợp bệnh nhân N.V (17 tuổi, ở Hoàng Mai, Hà Nội) được đưa vào viện trong tình trạng bị bỏng mặt, ngực và hai tay với diện tích chiếm 40% cơ thể. Nguyên nhân do khi đang nướng mực, tưởng ngọn lửa đã tắt, V. liền đổ thêm cồn vào khay nướng, bất ngờ ngọn lửa bùng lên, táp vào cơ thể anh và bốc cháy.
Theo bác sĩ Nguyễn Nam Giang, Phó Trưởng khoa Bỏng - Bệnh viện Xanh Pôn, lý do khiến bệnh nhân bị bỏng cồn do nướng mực tăng mạnh vào mùa hè là vì vào thời điểm này, các gia đình thường đi du lịch biển và mua mực mang về làm quà hoặc liên hoan.
Cồn nướng mực khi cháy ngọn lửa có màu sáng trắng nên vào ban ngày thường nhìn không rõ, nhiều trường hợp lửa vẫn đang cháy nhưng người dân nhìn qua tưởng đã tắt nên tiếp thêm cồn mới vào khiến ngọn lửa bắt theo đường chảy của cồn và bùng lên, cháy sém vào tay người đổ. Lúc này nạn nhân thường hoảng loạn, vung tay chân làm văng cồn ra, khiến ngọn lửa càng bùng lên, gây bỏng nặng hơn…
Bên cạnh nguyên nhân bỏng cồn do nướng mực, thời điểm này lượng trẻ nhập viện cấp cứu bỏng, nhất là bỏng nước sôi, bỏng điện cũng gia tăng, chiếm tỷ lệ cao trong tổng số ca bỏng.
Các bác sĩ lý giải, vào mùa hè, trẻ được nghỉ học ở nhà, do không có người chăm sóc sát sao nên tai nạn bỏng dễ xảy ra trong lúc trẻ nô đùa, đặc biệt là ở trẻ từ 1-5 tuổi bởi ở lứa tuổi này trẻ rất hiếu động, thích khám phá tìm hiểu xung quanh nhưng lại chưa ý thức và chưa có khả năng phòng tránh các mối nguy hiểm.
BS Lê Quốc Chiểu, Bệnh viện Bỏng Quốc gia cho rằng, hầu hết nguyên nhân dẫn đến trẻ em bị bỏng là do sự bất cẩn của người lớn gây ra. Do vậy, các bậc cha mẹ có con nhỏ nên xem xét cẩn thận mọi thứ quanh nhà, sắp xếp vị trí hợp lý như chỗ để phích nước nóng, bếp ga, bàn là phải thật an toàn, chuyển ổ điện lên cao… và nhất là phải có sự quan tâm giám sát trẻ thường xuyên hơn.