Chia sẻ trên Phụ Nữ và Pháp Luật: BSCKI Phùng Thị Phương Ngọc - khoa Bệnh nhiệt đới (BV Sản Nhi Phú Thọ) cho biết, trong tuần đầu tháng 6 đã có hàng chục trẻ viêm màng não phải nhập viện. Theo thống kê, tỉ lệ bệnh nhi nhập viện vì mắc bệnh lý này đã tăng gấp 5 lần so với cùng kỳ năm 2023. Nguy hiểm hơn, số bệnh nhi nhập viện đa số ở giai đoạn nặng, có biến chứng nên việc điều trị gặp nhiều khó khăn.
Mới đây, trường hợp của bệnh nhi nam 6 tuổi đã giống lên hồi chuông cảnh báo các bậc phụ huynh. Bé nhập viện khi đã sốt 5 ngày tại nhà. Ngoài sốt, bệnh nhi còn đau đầu, nôn ói, mệt mỏi. Bệnh nhi được chọc dịch não tuỷ, làm các xét nghiệm chẩn đoán, kết quả cho thấy trẻ bị viêm màng não nhiễm khuẩn.
Theo bác sĩ Ngọc, nguyên nhân bệnh viêm màng não gia tăng là do miền Bắc nắng nóng, thỉnh thoảng có mưa và xen kẽ đợt không khí lạnh. Đây là điều kiện thuận lợi để các vi rút, vi khuẩn phát triển mạnh, tấn công và gây hại cho sức khỏe con người, nhất là trẻ nhỏ.
Được biết, căn bệnh nguy hiểm này có thể lây qua đường hô hấp, một số triệu chứng ban đầu của bệnh cũng dễ nhầm lẫn với các bệnh cảm thông thường. Trẻ thường khởi phát bệnh với triệu chứng sốt, nôn ói, đau đầu… Nhiều trường hợp phụ huynh/người chăm sóc trẻ chủ quan, bỏ qua các triệu chứng cảnh báo này, đến khi được đưa đến bệnh viện thì tình trạng đã trở nặng và khó điều trị.
Bác sĩ Ngọc cũng cho biết thêm: Việc phát hiện sớm có ý nghĩa rất quan trọng trong điều trị bệnh lý viêm màng não. Ngay khi thấy trẻ có các triệu chứng như sốt, đau đầu, mệt mỏi, nôn trớ, cứng gáy, ù tai, sợ ánh sáng… Những lúc này phụ huynh cần nghĩ ngay tới bệnh viêm màng não và cho trẻ đi thăm khám kịp thời. Nếu trẻ đã xuất hiện các triệu chứng muộn, điển hình như co giật, hôn mê… lúc này não đã bị ảnh hưởng và có thể để lại nhiều di chứng nặng nề, thậm chí có thể dẫn đến tình trạng đáng tiếc nhất chính là tử vong.
Để phòng tránh bệnh viêm màng não, các bác sĩ khuyến cáo cha mẹ cần cho trẻ tiêm phòng vắc xin đủ và đúng lịch. Hiện có nhiều vắc xin phòng được bệnh viêm màng não, vì thế việc chủ động tiêm phòng, thực hiện tiêm đúng theo khuyến cáo của nhân viên y tế là rất quan trọng.
Ngoài việc tiêm vắc xin phòng ngừa cho trẻ thì giữ vệ sinh môi trường sống của con cũng là điều rất quan trọng. Ba mẹ cũng nên tập cho trẻ thói quan ăn chín, uống sôi, để hạn chế các tác nhân gây bệnh như E.coli, HiB, não mô cầu, phế cầu, lao... Vệ sinh tay chân và cơ thể cho trẻ, cho trẻ mang khẩu trang khi đi ra ngoài.
Chăm con các bậc phụ huynh cần hết sức lưu ý, một khi thấy trẻ có dấu hiệu bất thường hoặc các tình trạng nghi bệnh cần đưa trẻ đến bệnh viện hoặc cơ sở y tế gần nhất để được kiểm tra, tránh xảy ra tình trạng đáng tiếc.