Nhân sinh không phải là phép tính nhân mà quy định ai đó nhất định phải làm như thế này hay như thế khác. Mỗi người đều có con đường riêng của mình, dù là ai cũng không thể tác động đến được, vận mệnh là tự mỗi người nắm giữ.
Người sáng suốt sẽ biết khi nào nên nói khi nào cần im lặng, hiểu được lúc nào cần tiến, cần lui. Có một số người cho rằng, làm người chân thật thì lời nói ra phải thẳng thắn, bộc trực. Kỳ thực điều đó chưa hẳn đã phù hợp trong mọi hoàn cảnh.
Từ phân tích chữ có thể thấy, người Trung Hoa viết chữ Chân (真) là được tạo thành bởi chữ Trực (直) và ở dưới có 2 chấm. Điều này có hàm ý rằng, có những lúc lời nói thật, nói thẳng cũng phải để lại hai chấm. Có gì nói đấy là chân, nhưng có gì nói thẳng hết ra thì lại là xuẩn (ngu xuẩn, vụng về).
Lão Tử đã giảng: “Tri nhân giả trí, tự tri giả minh”. Người mà có thể hiểu biết người khác thì người ấy là người có trí huệ. Người hiểu biết chính mình thì đúng là cao minh.
Lời nói không thể nói tận, cần phải có hạn độ, có điểm dừng. Nói nhiều, nói tận tất yếu sẽ nói lỡ, có mất mát. Khi nói chuyện cho dù lời nói tốt hay lời nói không tốt thì đều không thể nói đến cùng.
Nếu tận nói những lời xấu thì tác hại của nó có khi là khôn lường. Hơn nữa, người bình thường không ai muốn nghe lời khó nghe cả. Cổ nhân giảng: “Lời ác lạnh người sáu tháng ròng”, cho nên lời nói nên là thích hợp và vừa phải.
Tận nói lời tốt không chỉ có thể gây tổn hại cho mình mà còn gây bất lợi cho người khác. Người tận nói những lời hay thường thể hiện ra sự khoác lác, tâng bốc, nịnh bợ, a dua. Cũng có khi, tận nói lời hay còn thể hiện ra sự khúm núm và đánh mất khí chất của bản thân mình.
Vạn sự đều có giới hạn, nhất định cần phải nắm chắc. Lương thiện cũng là có giới hạn của nó, không thể làm mất đi lý trí…
Hết thảy cứ để tùy duyên, mất hay được đều có nguyên nhân của nó, quen biết, hiểu nhau, yêu nhau, hợp tan đều đã có an bài. Cuộc sống tuy có trăm cản ngàn trở, nhưng chủ yếu là để xem bạn đối mặt thế nào, nhân sinh có thước, làm người có độ.