Ruột thừa là một bộ phận nhỏ như ngón tay cái nằm ở phía dưới bên phải của bụng, có một đầu bịt kín, đầu kia thông với manh tràng (đoạn đầu tiên của ruột già). Nếu vì một nguyên nhân nào đó làm cho lòng ruột thừa bị tắt nghẽn (do quá sản tổ chức lympho ở thành ruột thừa, dị vật..) sẽ khiến cho ruột thừa bị sưng lên và nhiễm trùng, tạo thành ruột thừa viêm.
Viêm ruột thừa có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, thậm chí cả trẻ 3-4 tuổi. Những trường hợp này rất khó chẩn đoán vì trẻ chưa có khả năng diễn đạt rõ ràng tình trạng đau của mình và không dễ phân biệt với các bệnh lý có triệu chứng đau bụng khác. Đặc biệt, viêm ruột thừa ở trẻ tiến triển rất nhanh và có thể vỡ dễ dàng.
Triệu chứng điển hình của viêm ruột thừa là đau vùng bụng dưới bên phải (còn gọi là hố chậu phải). Kiểu đau của viêm ruột thừa thường bắt đầu ở vùng quanh rốn trước khi khu trú ở hố chậu phải. Tuy nhiên với trẻ em, điểm đau rất khó xác định vì trẻ đa phần gặp bác sĩ là sợ, kêu khóc, không miêu tả được là đau ở đâu, thậm chí khám bụng chỗ nào cũng kêu đau.
Trẻ bị viêm ruột thừa thường có môi khô, lưỡi dơ biểu hiện tình trạng nhiễm trùng. Phần lớn trẻ có sốt nhẹ, dao động 38-38,5 độ C nhưng có khi trẻ không có triệu chứng này, chỉ khi đoạn ruột thừa viêm bị vỡ thì mới sốt. Ngoài ra, bé sẽ có tình trạng mệt mỏi, chán ăn, bụng trướng do ruột bị kích thích kèm theo buồn nôn, nôn ói. Tiêu chảy có thể có hoặc không, nhưng nếu có sẽ làm tăng khả năng chẩn đoán. Biểu hiện nôn và tiêu chảy ở trẻ viêm ruột thừa cũng dễ bị nhầm với rối loạn tiêu hóa.
Khi thấy con có những biểu hiện bệnh như trên cần đưa ngay trẻ đến cơ sở y tế để được cấp cứu và xử trí kịp thời, tránh biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra.