Cụ thể, theo kết quả nghiên cứu của PGS.TS Anne M. Karvonen, nhà nghiên cứu chính thuộc Viện Sức khỏe và Phúc lợi Phần Lan - Bộ An ninh Y tế, Đơn vị Sức khỏe Môi trường, cùng đồng nghiệp, việc trẻ tiếp xúc với nơi ẩm mốc khi còn nhỏ sẽ dẫn đến chứng khó thở, thở khò khè dai dẳng - những yếu tố nguy cơ dẫn đến bệnh hen suyễn sau này.
"Yếu tố rủi ro của các loại hen suyễn là khác nhau. Hiểu biết về những yếu tố nguy cơ này là điều cần thiết trong việc phòng ngừa và điều trị bệnh hen suyễn", bà Karvonen nói.
Nhóm nghiên cứu của bà Karvonen đã kiểm tra dữ liệu từ 214 trẻ em nông thôn và 228 trẻ em ngoại thành trong nhóm LUKAS sinh từ tháng 9/2002 đến tháng 5/2005 ở miền trung và miền đông Phần Lan.
Các kỹ sư xây dựng được đào tạo để kiểm tra độ ẩm hư hại khi trẻ ở độ tuổi trung bình là 5,42 tháng. Kết quả cho thấy độ ẩm hư hại nhỏ trong tổng số các gia đình là 23,8%. Trong khi đó, độ ẩm nghiêm trọng hoặc nấm mốc có thể nhìn thấy được chiếm tỷ lệ 13,4%.
Bà Karvonen và đồng nghiệp đã chỉ ra độ ẩm, nấm mốc trong khu vực sinh hoạt chính của trẻ (bao gồm phòng ngủ, phòng khách và nhà bếp) liên quan đến việc tăng nguy cơ mắc bệnh hen suyễn.
Trong 6 năm nghiên cứu, bà Karvonen và đồng nghiệp ghi nhận tỷ lệ thở khò khè lần lượt được ghi nhận là 63,4% trẻ không có hoặc không thường xuyên; 23,3% thỉnh thoảng; 3,8% vừa; 3,5% khởi phát muộn và 6% dai dẳng.
Không những vậy, thở khò khè dai dẳng cũng có liên quan đến độ ẩm lớn và nhỏ trong phòng khách, trong phòng ngủ, các khu vực sinh hoạt khác.
"Theo nghiên cứu của chúng tôi, độ ẩm trong khu vực sinh sống chính của trẻ em đặc biệt liên quan đến bệnh hen suyễn dai dẳng, chứ không phải bệnh hen suyễn nhất thời", bà Karvonen nói.
Dựa trên những kết quả này và các nghiên cứu trước đây, nhóm của bà Karvonen kết luận việc tiếp xúc với không khí ẩm, nấm mốc trong thời kỳ sơ sinh liên quan đến chứng thở khò khè, đặc biệt là các dạng thở khò khè dai dẳng và thường tái phát.
Bà Karvonen và đồng nghiệp khuyên môi trường gia đình cần đảm bảo không có độ ẩm lớn gây hại cho trẻ trong thời kỳ sơ sinh để tránh trẻ bị hen suyễn về sau.
"Nguy cơ mắc bệnh hen suyễn sẽ tăng lên nếu không khí ẩm hoặc nấm mốc nằm trong phòng. Do đó, các gia đình có thể ngăn ngừa nguy cơ mắc bệnh hen suyễn bằng cách giữ cho nhà cửa, môi trường trong nhà luôn ở tình trạng tốt", bà Karvonen nói.