Một câu hỏi vẫn được các nhà đầu tư (NĐT) đặt ra từ thời điểm xuất hiện dịch đến nay là nên mua BĐS bây giờ hay tiếp tục chờ giảm giá để mua vào?
Chia sẻ tại toạ đàm mới đây, cũng câu hỏi này, ông Võ Huỳnh Tuấn Kiệt, Giám đốc bộ phận tiếp thị nhà ở CBRE Việt Nam cho rằng, không nên chờ đợi thị trường lao đốc để mua vào, ít nhất là trong 6 -12 tháng tới. Trên thị trường sơ cấp, giá bán có thể điều chỉnh đi ngang hoặc tăng nhẹ do các chủ đầu tư không có áp lực buộc phải bán hàng nhanh. Vì thế việc giảm giá rất khó.
Còn đối với thị trường thứ cấp, sẽ có xu hướng bán tháo đối với các nha đầu tư lướt sóng. Nhưng tình trạng này chỉ xảy ra cục bộ ở một số dự án và khu vực nhất định nhưng không nhiều.
Ông Kiệt cũng phân tích rằng, phải nhìn lại thị trường thời điểm năm 2007 - 2008, bong bóng bất động sản xảy ra ở thị trường thứ cấp. Giá bán được đẩy lên nhiều ở thị trường thứ cấp và nhiều nhà đầu tư dùng đòn bẩy tài chính quá lớn. Còn hiện tại, mức giá được quyết định bởi thị trường sơ cấp, các chủ đầu tư làm ra sản phẩm để bán. Trong khi hầu hết các CĐT không có chính sách giảm giá bất chấp dịch bệnh.
Cùng quan điểm, ông Trần Khánh Quang, Chuyên gia BĐS cho rằng, nếu giá giảm ở mức độ hợp lý thì nên mua chứ rất khó xảy ra hiện tượng giảm giá sâu hay lao dốc trên thị trường BĐS ở giai đoạn này. Theo ông Quang, dịch bệnh nhưng giá BĐS vẫn không xuống là điều kỳ lạ.
Thực ra, từ cuối năm 2019, các nhà đầu tư chuyên nghiệp họ đã dự đoán được năm 2020 là một năm cực kỳ khó khăn bởi giá BĐS khi ấy rất cao. Cùng với việc ngân hàng "siết" tín dụng nên rất khó khi vay đầu tư BĐS nên các chủ đầu tư, các nhà đầu tư chuyên nghiệp có sẵn kế hoạch dự phòng cho năm 2020.
"Đến tháng 2/2020, khi xuất hiện dịch bệnh thì thị trường BĐS đứng yên, không có giao dịch trong thời gian tháng 2, tháng 3. Điều này đã đúng trong kế hoạch của các chủ đầu tư nên không thấy hiện tượng bán xả hàng, giảm giá trên thị trường BĐS, có chăng chỉ giảm giá ở thị trường thứ cấp với mức giá hợp lý nhưng cũng không phải trên diện rộng", ông Quang nói.
Ngoài ra, theo ông Quang, đối với những nhà đầu tư chuyên nghiệp luôn có kế hoạch dài hạn cùng với việc Chính phủ kiểm soát tốt dịch bệnh nên thị trường BĐS vẫn trụ vững. Việc giá lao dốc trong thời gian tới là rất khó xảy ra. Vì thế, sự chờ đợi để vào bắt đáy rất khó.
Bà Nguyễn Thị Vân Khanh, Giám đốc cấp cao thị trường vốn JLL Việt Nam cũng phân tích, thị trường giai đoạn 2019-2020 khác hoàn toàn so với thời điểm 2008-2009 khi thị trường xuất hiện bong bóng tăng trưởng ảo vì thời điểm đó nhiều doanh nghiệp đi vay và thế chấp tài sản ảo, chưa đủ pháp lý. Vì vậy, khi có nợ xấu, ngân hàng muốn xử lý nợ xấu nhưng không thể thực hiện, chủ doanh nghiệp không thể trả được nợ, nhà đầu tư nước ngoài muốn tham gia mua lại dự án cũng không thể thực hiện được. Đó là sự bế tắc của cả ba bên.
Sau đó 2013-1019 thị tường bắt đầu phục hồi, nhiều chủ đầu tư bắt tay với các nhà phát triển để thực hiện dự án. Hiện nay, trao đổi với phía ngân hàng, nhiều nơi vẫn có nợ xấu được thế chấp bằng BĐS nhưng khi xử lý lại gặp khó khăn về pháp lý. Điều này cũng ảnh hưởng rất lớn đến dòng chảy của vốn FDI vào Việt Nam. Nhưng nhìn chung, thị trường BĐS hiện nay không đến mức phải bán tháo hay xuống dốc như cách đây hơn 10 năm. Vì thế, sẽ có những cơ sở để thị trường phục hồi trở lại sau khi dịch được kiểm soát.
Thực tế, hiện nay có khá nhiều NĐT có tài chính nhưng vẫn trong tâm lý chờ đợi giá giảm sâu để bắt đáy thị trường. Trong khi tâm lý này vẫn tồn tại thì theo ghi nhận, trong thời gian qua, các CĐT vẫn không có động thái công bố giảm giá bán BĐS. Đây được xem là nghịch lý đang diễn ra giữa người bán và người mua. Đây cũng là một trong các nguyên nhân khiến giao dịch thị trường BĐS trong các tháng qua ghi nhận giảm sút.