3 tin buồn liên tiếp chỉ trong vài ngày
Mới đây, trên trang facebook cá nhân của Hội trưởng hội Phật tử Việt Nam tại Nhật Bản có tên Tam Tri Thich đã đăng tải thông tin về chuyện có 3 du học sinh Việt Nam tại Nhật Bản liên tục đột quỵ trong những ngày đầu năm 2018.
Cụ thể: "Chỉ vỏn vẹn trong vòng vài ngày, mà nhà chùa đã nhận được 3 thông tin từ bạn bè về các em không may bị mất. Hiện tại nhà chùa đã thông tri với các anh chị em trong Sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản đang cố gắng liên lạc với người nhà của các em để lo mai táng". Đồng thời, tài khoản facebook này cũng thông tin thêm về 3 du học sinh xấu số đó: "Một em mất tại Chiba (4/1); một em mất tại Nagano ( 11/1); một em mất tại Inuyama Aichi (12/1)".
Trước đó, cũng có nhiều trường hợp du học sinh Việt Nam đột quỵ khi du học tại Nhật Bản như trường hợp của nữ du học sinh Bùi Thị Diện (SN 1992, Nghệ An) theo học tại phân hiệu Kobe đột quỵ, tử vong vào ngày 2/1/2018; hay trường hợp của bạn Trịnh Thị Dung (SN 1993, Quảng Nam) tử vong ngày 5/11/2017...
Đi tìm nguyên nhân đằng sau những cái chết đột ngột vào mùa lạnh
Đột quỵ là căn bệnh cấp tính, xảy ra khi lượng máu cung cấp cho một phần của não bộ đột nhiên bị chặn lại hoặc khi có một mạch máu trong não bộ bị vỡ khiến máu trào vào những khoảng không xung quanh các tế bào não. Căn bệnh đột quỵ thường xảy ra ở người già.
Vào mùa lạnh, cơ thể tăng tiết các catecholamine trong máu dẫn đến co mạch ngoại biên. Mạch máu ở một số vùng co lại sẽ đẩy máu ra những khu vực ít chịu ảnh hưởng hơn, gây giãn mạch thụ động ở những nơi đó (như mạch não, mạch phổi), do đó, dễ gây các biến chứng đứt mạch não hoặc phù phổi cấp.
Ngoài ra, thời tiết lạnh cũng làm tăng số lượng tiểu cầu, hồng cầu và độ nhớt của máu, làm tăng nguy cơ bệnh động mạch vành, tai biến mạch máu não và bệnh mạch máu ngoại vi. Đặc biệt, ở người già, khả năng miễn dịch và tính chịu đựng cơ thể kém, mạch máu giảm tính đàn hồi, trở nên cứng hơn, máu tăng độ quánh do tăng cholesterol, giảm enzyme tiêu hủy sợi huyết, lòng mạch bị thu hẹp, máu hay bị kết vón, lưu lượng máu qua não giảm đến 1/5 so với thông thường, dự trữ chức năng không còn nhiều nên rất khó thích nghi với những thay đổi bất thường của thời tiết.
Cách phòng ngừa đột quỵ vào mùa đông
- Ăn uống đầy đủ, lành mạnh, cung cấp đủ lượng kalo và nước cho cơ thể mỗi ngày.
- Hạn chế bia rượu, thuốc lá, chất kích thích.
- Giữ ấm cho phòng ngủ vào mùa đông, tránh không để gió lùa.
- Giữ ấm cho cơ thể. Đặc biệt, không nên tắm sau 10h đêm, tắm nước quá nóng hoặc quá lạnh.
- Thường xuyên ngâm chân bằng nước ấm.
- Không làm việc quá sức.
- Đi ngủ đúng giờ, đảm bảo số giờ ngủ từ 7- 8 tiếng mỗi ngày.