Hội chứng mất tập trung không hẳn là dấu hiệu của bệnh lý, đơn giản là khi trẻ còn nhỏ, khả năng tập trung của trẻ vào một vấn đề thường rất thấp. Đây là tình trạng khá phổ biến ở nhiều trẻ. Tuy nhiên, nếu tình trạng này kéo dài và không thể cải thiện sau nhiều thì cha mẹ nên đưa trẻ đến bệnh viện thăm khám để kiểm tra.
Tình trạng trẻ thiếu tập trung thường không được cha mẹ quan tâm nhiều khi trẻ còn nhỏ nhưng đến độ tuổi đi học, tình trạng này lại gây ra nhiều vấn đề như trẻ khó tập trung khi học khiến ảnh hưởng đến quá trình học tập cũng như sự phát triển của não bộ.
2. Những biểu hiện của trẻ thiếu tập trung
Đối với trẻ thiếu tập trung, những biểu hiện sau đây thường xuyên xuất hiện, cha mẹ nên lưu ý và nắm bắt sớm tình trạng của con nhỏ:
Trẻ không thể ngồi yên một chỗ trong thời gian dài được và thường xuyên bị phân tâm, không chú ý vào bài học.
Tình trạng mất đồ thường xuyên xảy ra với bé, đặc biệt là những trẻ đã đi học, việc mất đồ dùng học tập xảy ra như cơm bữa và làm khá nhiều bậc cha mẹ đau đầu. Ngoài ra, trẻ không thể tự sắp xếp công việc của bản thân, phần lớn phải nhờ vào sự giúp đỡ của cha mẹ.
Trẻ gặp nhiều khó khăn trong học tập và ghi nhớ.
Việc làm bài tập ở nhà thường mất nhiều thời gian hơn vì trẻ khó tập trung khi học, nhất là khi không có cha mẹ kèm bên cạnh.
Thường hay mơ màng trong lúc học tập trên trường hoặc ở nhà.
Do độ tập trung không cao nên nét chữ của trẻ thường xấu hơn so với bạn bè cùng trang lứa.
Tính cách thất thường, hay cáu gắt hoặc buồn rầu không rõ nguyên nhân
Phần lớn các kỹ năng vận động như chạy, nhảy hay chơi thể thao,... thường kém hơn so với bạn bè trang lứa.
3 Nguyên nhân khiến trẻ mất tập trung
Nhiệm vụ khó: Khi trẻ thấy các nhiệm vụ được giao quá khó khăn hoặc là thách thức với mình, trẻ thường không thể tập trung để giải quyết, cố tình lờ đi để bỏ qua nhiệm vụ. Bạn nên khắc phục khó khăn này bằng cách chia nhỏ các nhiệm vụ lớn, giao cho trẻ các nhiệm vụ đơn giản, vừa sức với từng độ tuổi và khả năng giải quyết.
Bị phân tâm: Trẻ con vốn dĩ rất tò mò nhưng chúng lại hiếm khi cảm thấy háo hức khi ngồi một chỗ và tập trung vào một việc nhất định. Trẻ thường bị phân tâm bởi những tác nhân bên ngoài chẳng hạn như điện thoại, tivi, trò chơi đang chơi dở, radio hoặc những hoạt động đang diễn ra bên cạnh. Để con bạn tập trung, người lớn hãy đảm bảo rằng căn phòng mà trẻ đang làm việc, học tập thật sự yên tĩnh, không có tác nhân khiến trẻ bị phân tâm.
Thu hút chú ý từ cha mẹ: Nhiều trẻ em có xu hướng cư xử tiêu cực để thu hút sự chú ý từ người lớn. Chúng không thích học tập và không tập trung vào việc được giao vì cảm thấy thiếu sự quan tâm từ cha mẹ. Cha mẹ nên dành thêm thời gian cho con mỗi ngày, nếu cảm thấy được quan tâm đủ, trẻ sẽ có thể tập trung vào nhiệm vụ được giao.
Chế độ ăn uống: Chế độ dinh dưỡng kém, bỏ bữa sáng là lý do phổ biến khiến các bé kém tập trung. Người lớn nên khuyên trẻ tuân thủ chế độ ăn uống đầy đủ dưỡng chất hàng ngày, đảm bảo các con không bỏ bữa sáng.
Ngủ không đủ giấc: Thanh thiếu niên cần ngủ ít nhất 8-12 giờ mỗi đêm để phát triển tốt nhất. Ngủ không đủ giấc, giấc ngủ kém chất lượng có thể khiến con bạn không thể tập trung vào mọi việc.
Không có động lực: Trẻ sẽ khó tập trung nếu cảm thấy không hứng thú với nhiệm vụ được giao. Thiếu động lực, làm việc học tập không có mục đích cũng là những lý do khiến trẻ không thể tập trung. Cha mẹ nên tạo động lực cho trẻ cố gắng, đồng thời thay đổi để trẻ cảm thấy hứng thú với nhiệm vụ được giao.
Lười vận động: Trẻ sẽ bị ì, lười biếng và giảm khả năng tập trung nếu không luyện tập thể dục thể thao. Bạn nên lên kế hoạch luyện tập chi tiết, kéo trẻ khỏi màn hình điện thoại thông minh, làm quen với việc đi bộ, đạp xe hoặc cùng con tham gia các môn thể thao nhẹ nhàng như bơi lội, học võ.
Dấu hiệu thiếu tập trung ở trẻ dễ nhận biết, bao gồm trẻ dễ bị phân tâm, bồn chồn, dễ quên đồ, không thể giữ mọi thứ ngăn nắp, không thể làm theo hướng dẫn, gặp rắc rối với việc học ở trường, tâm trạng thất thường, cáu kỉnh hoặc hung hăng, không thể duy trì tình bạn. Bạn nên giải quyết các vấn đề liên quan đến sự tập trung từ từ, việc điều chỉnh cần có thời gian và chiến lược rõ ràng.