Điều đầu tiên mà bạn cần nhớ trước khi tìm hiểu nguyên nhân ngủ chảy dãi là gì chính là ngủ chảy dãi là một hiện tượng hoàn toàn bình thường. Miệng bạn vẫn tiếp tục sản xuất nước bọt khi ngủ để bảo vệ các mô cứng và mềm bên trong miệng và cổ họng khỏi axit và vi trùng.
Tuy nhiên nếu ngủ chảy dãi xảy ra thường xuyên hoặc tăng tiết dãi quá mức hay đột ngột thì điều này có thể báo hiệu một tình trạng sức khỏe.
1. Nguyên nhân khiến bạn ngủ chảy dãi
Dưới đây là một số nguyên nhân phổ biến khiến bạn ngủ chảy dãi, trong số này có những tình trạng sức khỏe đòi hỏi bạn cần phải thăm khám sớm:
- Tư thế ngủ
Khi ngủ, các cơ của cơ thể ở trạng thái thư giãn - đặc biệt là ở giai đoạn REM của giấc ngủ (Rapid Eye Movement). Một khi các cơ mặt và cơ thể thư giãn, miệng bạn có thể ở tư thế "há hốc" và nước bọt dư thừa sẽ chảy ra ngoài.
Đặc biệt nếu bạn ngủ nghiêng hoặc nằm sấp, nước dãi có thể chảy ra từ cả hai bên miệng.
- Tác dụng phụ của thuốc
Chảy nước dãi có thể là tác dụng phụ của một số loại thuốc, bao gồm thuốc an thần, thuốc chống loạn thần, một số loại thuốc kháng sinh, một số loại thuốc dùng để điều trị bệnh Alzheimer và một số loại thuốc chống viêm không steroid (NSAID).
Nếu bạn đang dùng những loại thuốc có tác dụng phụ gây chảy dãi thì đừng ngưng dùng thuốc ngay mà hãy liên hệ với bác sĩ để được chỉ định thay thế hoặc giảm liều.
- Nghẹt mũi
Một trong những lý do lớn nhất khiến miệng bạn há ra khi ngủ là do không thở được bằng mũi, chẳng hạn như nghẹt mũi vì cảm lạnh hoặc dị ứng. Nếu điều này xảy ra bạn cũng sẽ dễ ngủ chảy dãi lên chăn, gối.
Ngoài ra thì lệch vách ngăn mũi cũng có thể là nguyên nhân khiến luồng không khí ở phía mũi hẹp hơn bị chặn lại một phần và gây nghẹt.
- Chứng ngưng thở khi ngủ
Tình trạng ngưng thở khi ngủ cũng khiến bạn thở bằng miệng vào nhiều thời điểm hoặc suốt cả đêm, miệng cũng tiết nhiều nước bọt hơn. Bên cạnh triệu chứng ngủ chảy dãi thì người bị ngưng thở khi ngủ cũng ngáy to, thở nghẽn (choking), đau họng và khô miệng khi thức dậy, mệt mỏi trong ngày...
Đây là tình trạng sức khỏe cần được thăm khám để có biện pháp cải thiện.
- Tình trạng thần kinh
Một số người bị tiết quá nhiều nước bọt - gọi là tăng tiết nước bọt/dãi, đây có thể là kết quả của chấn thương sọ não, đột quỵ hoặc nguồn cấp máu lên não bị chặn, bệnh Parkinson, bệnh bại não.
Những tình trạng này khiến bạn khó nuốt hơn dẫn tới chảy dãi cả khi ngủ và trong ngày.
- Mang thai
Phụ nữ mang thai có thể gặp một tình trạng gọi là tăng tiết nước bọt khi mang thai (ptyalism gradidarum) trong những tháng đầu và dẫn tới chảy dãi khi ngủ. Các triệu chứng liên quan khác bao gồm: sưng tuyến nước bọt, khó ngủ, tâm trạng cáu kỉnh, khó chịu.
- Trào ngược dạ dày thực quản
Chảy dãi khi ngủ cũng có thể liên quan tới bệnh trào ngược dạ dày thực quản khiến axit trào lên thực quản thường xuyên. Ngoài chứng ợ nóng thì một triệu chứng khác của bệnh này chính là chứng khó nuột gây cảm giác nghẹt thở như có thức ăn mắc kẹt trong họng và dẫn tới tiết nhiều nước bọt hơn.
- Vấn đề răng miệng
Nếu bạn tiết nhiều nước bọt và bị đau miệng hoặc nướu - đây có thể là dấu hiệu của nhiễm trùng miệng hoặc sâu răng. Việc miệng bạn sản xuất nước bọt nhiều hơn là một cách mà cơ thể cố gắng chống lại nhiễm trùng trong miệng.
- Các rối loạn nuốt
Chứng khó nuốt, rối loạn nuốt là thuật ngữ để chỉ bất cứ tình trạng sức khỏe nào gây khó nuốt. Nếu bạn chảy nước dãi quá mức, đây có thể là triệu chứng cảnh báo chứng đa xơ cứng, bệnh Parkinson hay chứng loạn dưỡng cơ thậm chí là một số loại ung thư thư như ung thư vòm họng cũng có thể gây khó nuốt khi cố nuốt nước bọt.
2. Làm thế nào để ngừng chảy nước dãi khi ngủ?
Nhìn chung thì không cần điều trị chứng chảy nước dãi khi ngủ, mặc dù điều này có thể gây khó chịu nhưng đây không phải là nguyên nhân gây mất nước, nhiễm trùng hay các vấn đề khác. Tùy thuộc vào nguyên nhân gây ra mà bạn sẽ có những cách khắc phục và ngừng chảy dãi khi ngủ khác nhau, chẳng hạn:
- Thay đổi tư thể ngủ, nằm ngửa
Bằng cách nằm ngửa khi ngủ bạn sẽ dễ dàng hơn trong việc kiểm soát dòng chảy của nước bọt để chúng không bị chảy ra ngoài. Tuy nhiên cần chú ý nếu bạn cảm thấy nghẹt thở hay trào ngược axit khi cố gắng nằm ngửa.
- Nói chuyện với bác sĩ về các tác dụng phụ nếu bạn đang dùng thuốc
- Điều trị dị ứng để bạn dễ thở hơn bằng mũi
- Kiểm soát vách ngăn bị lệch bằng thuốc hoặc phẫu thuật tạo hình vách ngăn giúp giảm các triệu chứng khó chịu
- Điều trị chứng ngưng thở khi ngủ bằng cách thay đổi lối sống, cân nặng khỏe mạnh hoặc sử dụng một số thiết bị y tế hỗ trợ hô hấp hay phẫu thuật theo chỉ định
- Nếu mắc các bệnh lý thần kinh tiềm ẩn cần dùng thuốc theo đơn, bao gồm cả chứng tăng tiết nước bọt
Cắt bỏ tuyến nước bọt trong trường hợp có các vấn đề thần kinh tiềm ẩn nghiêm trọng hơn so với việc chỉ chảy dãi khi ngủ.
- Kiểm soát chứng trào ngược dạ dày thực quản bằng việc thay đổi lối sống, tư thế ngủ hoặc can thiệp y tế khác
- Dùng các loại thuốc như Scopolamine hay còn được gọi là hyoscine có tác dụng chặn các xung thần kinh trước khi chúng đến tuyến nước bọt. Thuốc này thường được cung cấp dưới dạng miếng dán sau tai, miếng dán sẽ giải phóng thuốc liên tục với tác dụng trong khoảng 72 giờ. Tuy nhiên tác dụng phụ của scopolamine có thể bao gồm chóng mặt, buồn ngủ, tăng nhịp tim, khô miệng và ngứa mắt.
Lưu ý là bạn không nên tự ý sử dụng thuốc nếu không có chỉ định từ bác sĩ. Nếu tình trạng chảy nước dãi quá nhiều và liên tục bạn nên thăm khám bác sĩ để có chẩn đoán nguyên nhân chính xác và can thiệp kịp thời.