Phụ Nữ Sức Khỏe

Nguyên nhân khiến bạn có vị kim loại trong miệng

Từ thói quen vệ sinh răng miệng kém, các bệnh nhiễm trùng đến suy thận, sa sút trí tuệ, những vấn đề này có thể khiến bạn cảm nhận được vị kim loại kỳ lạ trong miệng.

Cảm nhận được vị kim loại trong miệng còn được gọi là chứng loạn vị giác hoặc chứng parageusia. Tình trạng này xảy ra khi một người cảm nhận được vị kim loại mặc dù không có gì trong miệng, đôi khi có thể xảy ra cùng triệu chứng mệt mỏi, kiệt sức và thiếu năng lượng.

Nếu bạn khỏe mạnh và không kèm các triệu chứng khác, nguyên nhân gây vị kim loại thường là lành tính. Tuy nhiên, một số vấn đề sức khỏe liên quan răng miệng, thận hay ung thư có thể dẫn đến tình trạng này.

Vệ sinh răng miệng kém

Tiến sĩ Donald Ford, Trưởng khoa Y học Gia đình tại Cleveland Clinic, cho biết nếu bạn không chải răng và dùng chỉ nha khoa thường xuyên, hậu quả có thể là các vấn đề về răng và nướu như viêm nướu, viêm nha chu và nhiễm trùng răng. Những bệnh nhiễm trùng này có thể gây ra vị kim loại trong miệng.

Nếu sức khỏe răng miệng kém là nguyên nhân, nướu răng của bạn cũng có thể bị sưng, có màu đỏ tươi hoặc đỏ sẫm, dễ chảy máu và hôi miệng. "Những vấn đề này có thể được điều trị khỏi bằng thuốc kê đơn của bác sĩ. Vị kim loại thường biến mất sau khi tình trạng nhiễm trùng biến mất", tiến sĩ Ford nói.

Vệ sinh răng miệng kém là nguyên nhân phổ biến khiến bạn cảm nhận được vị kim loại trong miệng thường xuyên. Ảnh: Healthline.

Các bệnh nhiễm trùng

Một số bệnh nhiễm trùng như cảm lạnh, viêm xoang, nhiễm trùng đường hô hấp trên… có thể làm thay đổi vị giác, khiến bạn có thể nếm được kim loại kèm theo sổ mũi, nghẹt mũi, đau họng và ho.

Vị giác bình thường có thể biến mất khi bạn bị nhiễm trùng, vì vậy, bạn nên nghỉ ngơi, uống nhiều nước, sử dụng thuốc giảm đau không kê đơn nếu cần, để nhanh chóng khỏe lại và lấy lại vị giác thông thường.

Khó tiêu

Theo Webmd, ợ chua, trào ngược axit và khó tiêu có thể là nguyên nhân dẫn đến vị kim loại. Các triệu chứng khác mà bạn gặp phải với những tình trạng này là đầy hơi và cảm giác nóng trong ngực sau khi ăn.

Để điều trị vấn đề cơ bản, hãy tránh các loại thực phẩm phong phú, ăn tối sớm hơn và uống thuốc kháng axit. Nếu bạn tiếp tục bị khó tiêu, khó nuốt hoặc đau nghiêm trọng, hãy đến gặp bác sĩ. Vị giác trong miệng sẽ trở lại bình thường khi tình trạng khó tiêu được kiểm soát.

Thai kỳ

Vị kim loại trong miệng là triệu chứng phổ biến xảy ra trong 3 tháng đầu của thai kỳ. Nhiều phụ nữ mang thai cũng cảm thấy mệt mỏi.

Điều này xảy ra do nội tiết tố ở phụ nữ thay đổi khi mang thai. Sự dao động này có thể ảnh hưởng các giác quan, gây ra cảm giác thèm ăn cụ thể và làm cho một số loại thực phẩm hoặc mùi có vẻ kinh tởm. Phụ nữ mang thai cũng có thể bị đau đầu, chóng mặt, ốm nghén.

Tiến sĩ Ford cho biết thông thường, tình trạng này diễn ra tồi tệ nhất trong 3 tháng đầu thai kỳ, vì vậy, khi qua giai đoạn này, vị kim loại sẽ mất dần.

Suy thận

Theo Medical News Today, khi thận hoạt động không bình thường, các chất thải có thể tích tụ trong máu. Sự tích tụ này khiến một người cảm thấy mệt mỏi và có vị kim loại trong miệng. Ngoài vị kim loại và mệt mỏi, các triệu chứng bệnh thận thông thường có thể bao gồm đau cơ thể, sưng tấy và khó thở.

Trong nhiều trường hợp, một số người có thể gặp các triệu chứng này khi thận bị tổn thương do nhiễm độc. Ví dụ, ngộ độc men và hàn dẫn đến tổn thương thận, có thể gây thay đổi vị giác, mệt mỏi.

Sa sút trí tuệ

Vị giác của mọi người giảm dần theo tuổi tác, nhưng đối với những người bị sa sút trí tuệ, những thay đổi đó có thể diễn ra nhanh hơn do thay đổi trong não. Đôi khi thức ăn bắt đầu có mùi vị khác so với trước đây, mà các bác sĩ gọi là “mùi vị bất thường”.

Điều này là do vị giác được kết nối bởi các dây thần kinh với não và những bất thường về vị giác có thể xảy ra khi phần não liên quan vị giác không hoạt động bình thường.

Dị ứng

Vị kim loại trong miệng có thể là tác dụng phụ của dị ứng thực phẩm, đặc biệt là đối với động vật có vỏ hoặc hạt cây. Đó là dấu hiệu ban đầu của sốc phản vệ, có thể gây chết người. Nếu bạn bị hoặc nghi ngờ mình bị dị ứng như vậy, hãy nói chuyện với bác sĩ về những việc cần làm trong trường hợp phản ứng dị ứng - trước khi nó xảy ra.

Vị kim loại trong miệng có thể khiến bạn cảm thấy khó chịu, ảnh hưởng vị giác bình thường. Ảnh: Forbiddendoctor.

Tiếp xúc với hóa chất

Hít phải một số chất nhất định ở mức độ cao có thể dẫn đến vị kim loại, bao gồm:

- Thuốc trừ sâu: Vị kim loại trong miệng có thể là dấu hiệu của một số loại ngộ độc thuốc trừ sâu.

- Chì: Thường được tìm thấy nhiều nhất trong sơn có chì, bụi sơn và đất bị ô nhiễm do tróc sơn, nguyên tố hóa học này cũng có một số nguồn khác, bao gồm nước, đồ gốm và một số mỹ phẩm.

- Thủy ngân: Thường liên quan đến cá và các loại hải sản, kim loại độc hại này cũng có thể được tìm thấy ở các công trường xây dựng và trong nhiệt kế cũ.

“Những hóa chất này có thể gây ra tình trạng sức khỏe đáng lo ngại, vì vậy, nếu đã tiếp xúc với chúng, bạn nên đi khám ngay lập tức. Vị kim loại trong miệng sẽ biến mất sau khi tình trạng cơ bản được điều trị”, tiến sĩ Ford cảnh báo.

Điều trị ung thư

Các bệnh nhân ung thư được điều trị bằng hóa trị hoặc xạ trị - đặc biệt là đối với ung thư đầu và cổ - có thể trải nghiệm một loạt thay đổi về vị giác và khứu giác, bao gồm cả vị kim loại, hay còn gọi là “miệng hóa trị”. Nó thường biến mất khi bạn kết thúc điều trị.

Trong thời gian đó, bạn có thể thay đổi các loại thực phẩm để giảm vị kim loại. Thêm các thành phần chua như nước chanh, giấm hoặc dưa chua vào bữa ăn của bạn. Một số gia vị, thảo mộc và chất tạo ngọt cũng tạo hương vị ngọt. Ngoài ra, bạn có thể thử ăn nhiều thức ăn đông lạnh hoặc mát hơn, đổi đồ dùng bằng kim loại thay bằng gỗ hoặc nhựa.

Theo Phương Mai/ Zing News

Tin liên quan

Ngày 2/8: Ca COVID-19 tăng vọt lên 2.000, cao nhất trong hơn 2 tháng nay; có 1 F0 tử vong

Bản tin phòng chống dịch COVID-19 ngày 2/8 của Bộ Y tế cho biết ca COVID-19 tăng vọt lên 2.000-...

Phát hiện loại trà 'thần dược' giúp hỗ trợ cải thiện lượng đường trong máu ở người bị tiểu đường

Các nhà khoa học đã phát hiện ra một loại đồ uống nóng rất phổ biến, có thể giúp bạn...

Ca nhiễm Covid-19 có dấu hiệu tăng tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP HCM

So với tuần trước, số bệnh nhân Covid-19 vào Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP HCM điều trị có xu...

Bình Dương: Phát hiện 2 ca nhiễm biến chủng BA.5

Cả 2 ca này đều được phát hiện qua giám sát cộng đồng và dự báo các ca mắc biến...

Tin được không: Chẳng cần 'đổ mồ hôi' quá nhiều ở phòng tập gym, nâng tạ chỉ 3 giây mỗi...

Chỉ cần 3 giây mỗi ngày, bạn có thể thực hiện xây dựng cơ bắp một cách dễ dàng.

Phụ nữ mang thai mắc sốt xuất huyết: Không được chủ quan

TPHCM đang là địa phương đứng đầu cả nước về số ca mắc sốt xuất huyết (SXH). Các bác sĩ...

Nam giới bụng to, nhìn cho sang hay chỉ toàn tác hại?

Nam giới bụng to không chỉ ảnh hưởng đến ngoại hình của phái mạnh mà còn là “thủ phạm” của...

Tin mới nhất

WATF - Giáo dục tận gốc là giáo dục nhận thức

12 giờ trước

Bé gái sơ sinh bị bỏ trong túi bóng đặt trước cửa bệnh viện ở Hà Nội, tím tái toàn...

12 giờ trước

Dự báo thời tiết hôm nay 24/11: Miền Bắc đón không khí lạnh mạnh, miền Trung mưa liên tiếp

12 giờ trước

Xuất hiện chuỗi bão và áp thấp nhiệt đới dồn dập, Biển Đông nguy cơ “bão chồng bão” cuối tháng...

12 giờ trước

TP.HCM ghi nhận 1 ca tử vong do sốt xuất huyết

14 giờ trước

Dự báo thời tiết ngày 23/11: Hà Nội nhiều mây, sáng sớm trời rét, miền Trung có mưa lớn

1 ngày 16 giờ trước

Thêm thứ này vào nước rồi tưới cho cây khế, hoa sai trĩu cành, kết trái ngọt lịm quanh năm

1 ngày 16 giờ trước

Nỗi oan khó nói của ông chồng bị vợ nghi ngoại tình

2 ngày 7 giờ trước

Vì sao con người lùn đi khi về già?

2 ngày 7 giờ trước

Tin Phụ Nữ Và Gia Đình