Tối 21/8, chị V. được anh L.T.N. (36 tuổi, kiểm soát viên Đội QLTT số 1, Cục QLTT tỉnh Thanh Hóa) đón đi ăn tối, rồi đi hát karaoke cùng một số người khác. Trong lúc hát, do ghen tuông vì chị V. song ca với bạn nam khác trong nhóm, anh N. đã hành hung bạn gái tại phòng hát.
Khi chị V. ra về, người đàn ông 36 tuổi đuổi theo chặn xe, ép nạn nhân sang xe của mình rồi đưa đến khu dân cư gần đó để tiếp tục đánh. Ngoài ra, người này lột hết quần áo của chị V. rồi quay phim, chụp ảnh nhằm đe dọa, dọa giết nếu chị V. đi viện hoặc tố cáo sự việc với cơ quan công an.
Theo gia đình, sự việc khiến nạn nhân bị dập xương mũi, gãy xương hàm, chảy máu mắt và có nhiều vết bầm tím trên cơ thể.
Quan sát những vết thương trên cơ thể nạn nhân, nhiều người đặt nghi vấn liệu N. chỉ dùng tay hay đã dùng hung khí để tấn công, hành hung nạn nhân. Trao đổi với Zing, luật sư Hoàng Ngọc Biên (Nguyên điều tra viên hình sự cao cấp Bộ Quốc phòng) có những phân tích về vấn đề này.
Theo ông Biên, hành vi của N. thể hiện sự dã man, tàn ác. Dù người này sau đó khai đánh chị V. vì "quá yêu", luật sư nhìn nhận những dấu tích trên người nạn nhân lại cho thấy N. đã thẳng tay đánh đập, hành hung nạn nhân như đối với kẻ thủ thay vì người mà anh ta "quá yêu" như lời khai trước đó.
Phân tích các vết thương trên người nạn nhân, với kinh nghiệm thực tế tham gia nhiều vụ án hình sự, nguyên điều tra viên nhìn nhận chưa phát hiện dấu hiệu cho thấy N. đã hành hung, đánh đập chị V. bằng gậy hoặc vật tày.
"Cơ chế hình thành vết thương do tác động, bởi vật cứng như gậy và tay chân là khác nhau. Nếu nạn nhân bị đánh bằng gậy, vết thương sẽ hằn thành vệt dài, phù nề ở phần bị tác động đó và sưng lên. Máu ở vùng giữa bị bầm dập này sẽ ngưng tụ, chuyển màu trước. Sau đó, nó lan sang các vùng xung quanh và khiến những vùng này chuyển màu sau. Thông thường, các vết bầm sẽ lần lượt chuyển từ thâm tím sang nâu tím, nâu lục rồi ngả dần đến nâu đen", luật sư Biên phân tích.
Trường hợp này, ông nhìn nhận các vết thương ở tay nạn nhân có vùng loang khá đều màu, không có sự khác biệt màu sắc giống những vết thương hình thành bởi gậy hoặc vật tày. Do đó, chưa có căn cứ khẳng định nạn nhân bị tấn công bằng hung khí.
Nguyên điều tra viên đặt giả thuyết có thể nạn nhân bị tấn công bằng tay. Sau đó, do chị N. vùng vẫy, giằng co nên V. phải túm, xoắn tay và nắm chặt nhằm khống chế nạn nhân, nên hình thành những vết thương như vậy.
Tuy nhiên, ông cho biết đó chỉ là một trong số những trường hợp có thể xảy ra. Điều quan trọng cần làm lúc này là lấy lời khai của những người trực tiếp liên quan tới vụ việc và giám định mức độ thương tật của nạn nhân. Đây sẽ là những yếu tố quyết định các bước tiếp theo giải quyết vụ việc.
Đối với những vết thương vùng đầu, ông Biên đánh giá cần tiếp tục theo dõi, đặc biệt trong khoảng thời gian 10-14 ngày tới, bởi đây là quãng thời gian nhạy cảm, có thể ảnh hưởng tới sức khỏe và tính mạng của nạn nhân.
Phân tích vấn đề này, nguyên điều tra viên cho biết theo thông tin hiện có, nạn nhân bị dập xương mũi, gãy xương hàm và chảy máu mắt. Tuy nhiên, đây chỉ là những chấn thương phần ngoài. Dựa trên hình ảnh nạn nhân mà gia đình cung cấp, ông đánh giá nạn nhân có thể bị tổn thương bên trong não và gây nguy hiểm tới sức khỏe, tính mạng nếu không được theo dõi sát sao.
"Thông thường, nếu người bị tấn công và chảy máu não, quãng thời gian tích tụ thường rơi vào khoảng 10-14 ngày. Trong khoảng thời gian này, nếu vết thương nặng có thể gây nguy hiểm tới tính mạng của nạn nhân còn qua khoảng thời gian này, nạn nhân có thể sẽ an toàn nhưng sức khỏe có khả năng bị ảnh hưởng. Ở thời điểm hiện tại chưa thể nói trước điều gì, việc chăm sóc và theo dõi sát sao là cần thiết", nguyên điều tra viên cho biết.
Trường hợp này, nguyên điều tra viên cho biết nếu có căn cứ xác định V. đã đánh nạn nhân bằng hung khí vào vùng mặt, người này có thể bị xử lý hình sự về tội Giết người theo Điều 123 Bộ luật Hình sự 2015.
Trường hợp dùng tay tấn công vào vùng mặt, nhưng ở các vị trí nguy hiểm, trọng yếu của nạn nhân như chẩm đỉnh đầu, thái dương hay sau gáy và gây thương tích nghiêm trọng, đây vẫn được coi là hành vi nguy hiểm, có khả năng tước đoạt tính mạng nạn nhân, có thể bị xử lý hình sự về tội Giết người.
Ngoài ra, nếu tấn công vào mặt nhưng không vào các vùng nguy hiểm, tùy thuộc kết quả giám định thương tật của nạn nhân, các tình tiết định khung theo Điều 134 Bộ luật Hình sự 2015 về tội Cố ý gây thương tích có thể được áp dụng.
Bên cạnh đó, cơ quan chức năng sẽ làm rõ việc 2 người có chung sống với nhau như vợ chồng hay không. Do chị N. đã ly hôn, còn V. đang có gia đình nên nếu có căn cứ xác định họ sống với nhau như vợ chồng, tội danh khác là Vi phạm chế độ một vợ, một chồng theo Điều 182 Bộ luật Hình sự 2015 có thể được áp dụng.