Sau 2 ngày hoạt động không mang lại kết quả khả quan, Đội cứu hộ, cứu nạn 116 kết thúc việc tìm kiếm Lương Hải Như (23 tuổi, quê Chương Mỹ, Hà Nội), người được xác định mất tích từ ngày 14/7. Địa điểm được rà soát là khu vực cầu Cù Sơn, xã Vân Côn, huyện Hoài Đức, Hà Nội.
Công an TP Hà Nội đã ra quyết định truy tìm người mất tích có dấu hiệu liên quan đến tội phạm. Tuy nhiên, sau một tháng, tung tích của Hải Như vẫn là điều bí ẩn.
Không bỏ qua các tình tiết khả nghi
Luật sư Hoàng Ngọc Biên (nguyên điều tra viên hình sự cao cấp Bộ Quốc phòng) nhận định theo nghiệp vụ điều tra, những vụ việc như này được gọi là "án mờ", tức vụ việc có tính chất nghiêm trọng, phức tạp nhưng thuộc diện khó điều tra vì mọi thứ còn mù mờ, thiếu căn cứ xác đáng.
Với kinh nghiệm hàng chục năm tham gia công tác điều tra, ông Biên nhìn nhận cần nhanh chóng xác lập một chuyên án để tiến hành các hoạt động "siêu tra", tức vừa thu thập thông tin công khai, song song với tiến hành các hoạt động điều tra kín, điều tra bí mật.
Theo thông tin hiện có, dữ liệu định vị cho thấy thời điểm cuối trước khi mất liên lạc, Hải Như xuất hiện ở gần vị trí của T. (người yêu cũ). Sau đó, xe máy và điện thoại của Hải Như được phát hiện tại một bãi gửi xe ở phố Tú Mỡ, quận Cầu Giấy. Hôm đó, cơ quan chức năng phát hiện T.N.T. (bạn trai của Như) tự tử tại một phòng trọ ở quận Cầu Giấy.
Phân tích các dữ liệu này, nguyên điều tra viên đặt nghi vấn về việc có mối liên quan giữa cái chết của T. và sự mất tích của cô gái. Nếu đủ căn cứ cho thấy T. chính là người cuối cùng sử dụng xe máy của cô gái, nam thanh niên này sẽ là đối tượng hiềm nghi số một trong vụ việc.
"Cái chết của T. bắt buộc phải được tiến hành điều tra. Cơ quan chức năng cần làm rõ nguyên nhân, động cơ, phương thức tự tử của nam thanh niên cũng như xác minh mọi mối quan hệ của T. với gia đình, bạn bè, đồng nghiệp và cả người yêu cũ. Toàn bộ tin nhắn, dữ liệu cuộc gọi trong máy của 2 nạn nhân cần được trích xuất, thu thập một cách tỉ mỉ, cẩn trọng", ông Biên đánh giá.
Dù đặt giả thuyết T. là đối tượng hiềm nghi số một, ông Biên cho rằng mọi thứ đến hiện tại đều chưa rõ ràng, và đó chỉ là một trong vô số các phương án điều tra. Đối với những vụ "án mờ" như thế này, điều tra viên cần thu thập mọi chứng cứ khả nghi, xây dựng nhiều giả thuyết và vạch ra những tình huống khác nhau có thể xảy ra.
Ông Biên cũng không loại trừ những trường hợp như Hải Như bỏ trốn do thường xuyên bị người yêu cũ đe dọa hay cô gái chủ động cắt đứt liên lạc với gia đình.
Bình luận thêm về vụ việc, nguyên điều tra viên cao cấp tập trung vào tình tiết một nhóm thanh niên luôn đi theo chọc phá gia đình trong những buổi tìm kiếm Hải Như. Ông cho rằng cơ quan điều tra cần xác minh danh tính nhóm người này bằng mọi giá để đưa về trụ sở làm việc. Mọi chi tiết tình nghi đều không được phép bỏ qua, và lời khai của những người này hoàn toàn có thể cởi bỏ nút thắt của vụ án.
Mất tích bao lâu được coi là đã chết?
Ông Lương Viết Tuyên (cha của Hải Như) cho biết nếu qua 49 ngày vẫn chưa tìm thấy Hải Như, gia đình sẽ lập bàn thờ vọng để thờ cúng. Trong trường hợp này, nếu gia đình lập bàn thờ vọng, người mất tích có thể coi là đã chết hay không?
Dưới góc độ pháp lý, luật sư Biên cho biết theo Điều 68 Bộ luật Dân sự 2015, khi một người biệt tích 2 năm liền trở lên, khi đã áp dụng đầy đủ các biện pháp thông báo, tìm kiếm theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự nhưng vẫn không có tin tức xác thực về việc người đó còn sống hay đã chết thì theo yêu cầu của người có quyền, lợi ích liên quan, tòa án có thể tuyên bố người đó mất tích.
Ngoài ra, sau 3 năm từ ngày quyết định tuyên bố mất tích của tòa án có hiệu lực pháp luật mà vẫn không có tin tức xác thực người đó còn sống, người có quyền, lợi ích liên quan có thể yêu cầu tòa án ra quyết định tuyên bố người này đã chết.
Như vậy, tòa án có thẩm quyền tuyên một người mất tích hoặc đã chết theo quy định của Bộ luật Dân sự 2015. Tuy nhiên, để tuyên một người mất tích hoặc đã chết, cần có đơn yêu cầu từ phía gia đình hoặc những người có quyền, nghĩa vụ liên quan. Trường hợp gia đình không có yêu cầu, luật sư cho biết chỉ có thể coi là người đó thuộc trường hợp "mất liên lạc", chứ không thể coi là "mất tích" hoặc "đã chết".
"Việc gia đình cho biết sẽ lập bàn thờ vọng chỉ là biện pháp tâm linh, áp dụng tùy theo phong tục. Dưới góc độ pháp lý, nếu gia đình không có đơn yêu cầu, hoặc tòa án không mở phiên tòa, không thể tuyên một người mất liên lạc là mất tích hoặc đã chết", ông Biên cho biết thêm.