Jose Mario Licona và gia đình đã trải qua 18 giờ trên một chiếc xe container đến biên giới Mexico - Mỹ - một hành trình mà anh cảm thấy may mắn vì đã sống sót.
Nhưng những người di cư khác thì kém may mắn hơn. Ngày 27/6, hàng chục người di cư từ Mexico và Trung Mỹ được tìm thấy đã chết sau khi bị bỏ mặc trong một chiếc xe container nóng bức ở San Antonio, Texas, Mỹ. Đến nay, tổng cộng đã có 53 người chết trong vụ việc.
Anh Licona biết quá rõ sự nguy hiểm khi giao phó mạng sống của mình cho các băng nhóm tội phạm buôn người di cư. Những chiếc xe tải của các băng nhóm này thường quá đông đúc và thiếu hệ thống thông gió.
Nhưng người thân của anh đã trả cho những kẻ buôn người 13.000 USD để đưa vợ chồng anh và 3 đứa con đến Texas. Vì vậy, anh không còn lựa chọn nào khác.
Bị bỏ mặc trong chiếc container
"Khi kí thỏa thuận với nhóm buôn người, điều đầu tiên bạn yêu cầu là không bị ép vào khoang chứa container. Tuy nhiên, một khi đã khởi hành, họ sẽ làm những gì họ muốn", anh cho biết.
“Thường thì họ sẽ không đoái hoài gì đến các container có người di cư trú bên trong”, người đàn ông 48 tuổi nói với AFP.
Vợ chồng Licona và 3 người con ở độ tuổi 2, 6 và 8 di chuyển trên chiếc container từ thành phố Mexico đến thành phố Reynosa, giáp với bang Texas của Mỹ. Từ Reynosa, gia đình Licona đi bộ qua biên giới, nhưng rồi bị chính quyền Mỹ trả về.
Licona cho biết có khoảng 100 người cùng đi trên chiếc xe. Trên suốt chặng đường dài hơn 1.000 km, chiếc xe không hề bị các nhà chức trách Mexico kiểm tra dù chỉ một lần.
"Doanh nghiệp tội phạm"
Dolores Paris, một chuyên gia di cư tại Viện Colegio de la Frontera Norte, Mexico cho biết các mạng lưới buôn lậu vận hành bằng xe đầu kéo ngày càng trở nên tinh vi.
"Có thể nói đó là những doanh nghiệp tội phạm", cô nói.
Theo chính phủ Mexico, chiếc xe container trong thảm kịch ở San Antonio đã đi qua 2 trạm kiểm soát nhập cư ở Texas và được sao chép biển số xe.
Các nhà điều tra vẫn đang cố gắng xác định nơi chiếc xe bắt đầu hành trình.
Đây là thảm họa thứ 2 xảy ra trong thành phố trong vòng hơn 5 năm.
Vào tháng 7/2017, 10 người di cư được phát hiện đã chết trong một chiếc xe tải nóng bức đậu bên ngoài siêu thị Walmart.
Trước đó, vào năm 2003, 19 người di cư đã chết trong hoàn cảnh tương tự ở Texas.
Quyết định sai lầm
Licona, một chủ cửa hàng, rời Honduras vào tháng 5, sau khi bị bắn vào tay trong một vụ cướp.
Chuyến đi kéo dài và mệt mỏi đến nỗi khiến anh cảm thấy hối hận về quyết định của mình.
"Trời rất lạnh. Tôi đưa các con tôi 2 cái quần, 3 cái áo sơ mi và một cái chăn bông. Chúng ngủ trong suốt chuyến đi. Chúng tôi mang theo đồ uống bổ sung nước cho chúng nhưng tôi không muốn đánh thức chúng. Tạ ơn Chúa, giờ chúng tôi đã ở đây", anh nói.
Cái lạnh khiến vết thương ở tay của anh đau đớn hơn, nhưng anh đã cố gắng chịu đựng với hy vọng đến được Texas.
Giờ đây, gia đình Licona hy vọng sẽ được trao một cơ hội khác để vào Mỹ với lý do nhân đạo.
"Thiên thần đã cứu tôi"
Theo những người di cư trú tại các khu tạm trú gần biên giới Mexico - Mỹ, những chuyến đi nhập cư thường kéo dài tới 2 ngày với khoảng 400 người bị nhồi nhét trong một chiếc container như "động vật".
Một số cởi bỏ quần áo hoặc ngất xỉu vì nóng. Những người khác thì nhịn ăn hoặc uống để không phải đi tiểu.
“Còn khi chiếc container được làm lạnh, chúng tôi giống như đang ở trong ‘tủ đông’”, một người phụ nữ trẻ nói với AFP.
Khoảng 6.430 người di cư đã chết hoặc mất tích trên hành trình đến Mỹ kể từ năm 2014, theo Tổ chức Di cư Quốc tế.
Trong số đó, 850 người là nạn nhân của tai nạn xe cộ hoặc liên quan đến phương tiện giao thông nguy hiểm, cơ quan Liên Hợp Quốc cho biết.
Tháng 12/2021, 56 người di cư đến từ Trung Mỹ đã thiệt mạng và hàng chục người bị thương khi chiếc xe tải mà họ di chuyển bị lật ở bang Chiapas, miền Nam Mexico.
Nhận thức được sự nguy hiểm, một người phụ nữ Honduras giấu tên cho biết cô và hai người con gái của mình, 8 tuổi và 14 tuổi, đã từ chối lên một chiếc xe tải ở đông nam Mexico.
Dù đã phải chi 7.500 USD/ mỗi người cho chuyến đi, mẹ con họ quyết định tự di chuyển.
"Thiên thần đã cứu chúng tôi", người phụ nữ 32 tuổi nói.