Bộ Y tế Lào ngày 26/4 ghi nhận thêm 113 ca nhiễm, nâng tổng số ca Covid-19 ở nước này lên 436, theo Laotian Times. Số ca nhiễm mới được ghi nhận tại 10 tỉnh thành, trong đó có 54 ca ở tỉnh Champasak (tây nam Lào) và 31 ca ở thủ đô Vientiane.
Đây là lần đầu tiên Lào ghi nhận số ca nhiễm mới trong một ngày ở mức 3 con số kể từ khi Covid-19 xuât hiện. Những người Việt tại Lào cập nhật với Zing về tình hình, bày tỏ lo lắng về những tác động kinh tế nếu dịch kéo dài.
“Vẫn tụ tập uống bia mỗi chiều"
Anh Hoàng Lương, sống ở Vientiane đã 7 năm, cho biết dù dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, nhiều người vẫn không tuân theo các biện pháp hạn chế.
"Nơi tôi sống nhiều người vẫn hay tụ tập uống bia với nhau mỗi chiều. Chưa kể, người dân ở đây có tục ăn bốc và ăn chung đĩa với nhau. Tôi nghĩ điều này rất nguy hiểm", anh nói.
Anh cho biết thêm, hiện tại, nhiều người ra đường vẫn không đeo khẩu trang.
Ngoài ra, anh Lương còn cho rằng nguyên nhân khiến Lào bùng dịch nặng như hiện nay một phần là do đợt Tết cổ truyền vừa qua. Dù Tết năm nay vắng vẻ và buồn hơn do chính phủ cấm tụ tập trên 30 người, nhiều người dân vẫn sinh hoạt, tiệc tùng bình thường.
Anh nhận xét chính phủ Lào đã phản ứng với dịch khá nhanh và quyết đoán. Tuy nhiên, một số địa phương và người dân chưa thực sự quyết liệt.
Anh Viengvilay Ouanlasy 28 tuổi, là con lai Việt Lào, ngụ tại huyện Hatxayfong, Vientiane, cho biết ngày càng nhiều người nhiễm bệnh do lịch sử di chuyển phức tạp của bệnh nhân số 59.
Đợt Tết rồi, nhiều người không hạn chế đi lại nên đã vô tình đến các địa điểm, quán xá mà bệnh nhân 59 đã tới. Kết quả là họ nhiễm bệnh và lây cho người nhà. Điều này đã khiến số ca nhiễm mới tăng lên một cách khó kiểm soát.
Người thân của một số bạn bè anh cũng đã nhiễm bệnh khiến anh rất lo.
Bên cạnh đó, các thông tin giả tràn lan trên mạng cũng khiến người dân sợ hãi. Đơn cử, từng có thông tin giả cho rằng Lào đã có ca tử vong, nhưng sự thật là không, anh Ouanlasy nói.
Chị Tú Uyên, sống ở Vientiane, cũng đã sống trong lo lắng suốt nhiều ngày nay. Chị nói: "Tôi có có nhỏ nên rất sợ. Mấy ngày rồi tôi chỉ đóng cửa ở nhà chứ không dám ra ngoài, trừ lúc mua thức ăn".
"Nếu dịch kéo dài, tôi không biết phải làm sao"
Ông Trương Tuấn, một cựu nhân viên ngoại giao đang sinh sống tại Lào, nhận xét tình hình của lao động người Việt tại Lào rất khó khăn kể từ lần bùng dịch đầu tiên. Ông lo lắng đợt bùng dịch này sẽ còn khiến kinh tế của người Việt ở Lào còn xuống dốc hơn nữa.
"Hiện nay, người Việt Nam lao động tại Lào chỉ còn rất ít so với trước đây. Các ngành hàng kinh doanh gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là nhà hàng và cơ sở làm đẹp", ông Tuấn trả lời phỏng vấn của Zing.
"Tôi nghĩ nếu đợt bùng phát này kéo dài, cộng đồng người lao động Việt Nam tại Lào sẽ khó trụ vững".
Cô Trần Thị Phước, 54 tuổi, đang tạm trú và buôn bán tại Vientiane, chia sẻ dịch bệnh khiến việc buôn bán của cô ế ẩm hẳn. Rất nhiều người Việt Nam, kể cả cô, mong được về nước nhưng không được.
“Vẫn có dịch vụ giúp trốn về nhưng phải băng rừng, rất nguy hiểm, và có thể gặp mưa lũ, sạt lở. Chưa kể, nếu về mà không may mang mầm bệnh thì không hay. Thế nên, dù rất muốn về, nhưng cô vẫn chọn ở lại”.
“Cô hy vọng chính phủ sẽ có những biện pháp hỗ trợ người Việt về nước”.
Theo anh Trần Đức Anh Tú, 32 tuổi, kinh doanh đồ gỗ tại Vientiane, đa số người Việt Nam qua Lào làm các công việc trong ngành dịch vụ hoặc kinh doanh. Vậy nên, việc phong tỏa ảnh hưởng rất nhiều đến nguồn thu của lao động Việt Nam.
Anh nói: “Tôi lo tình hình này sẽ còn kéo dài. Nếu cứ tiễp diễn như vậy thêm mấy tháng nữa, tôi thật sự không biết phải làm sao”.
Chị Uyên và anh Lương cũng chịu tình cảnh khó khăn tương tự.
"Trong thời gian dịch bệnh, giá cả các mặt hàng leo thang. Nhiều người dân Lào không có việc làm. Họ không có tiền thì việc làm ăn buôn bán của tôi cũng khó khăn chồng chất", anh Lương nói.
Anh cũng thông tin thêm rằng vì các trường học đều đóng cửa, nên lương giáo viên 2 đến 3 tháng mới có một lần. Điều này thật sự gây áp lực kinh tế rất lớn đối với họ.