Ngày 15/4, bác sĩ Nguyễn Triệu Vũ, Trưởng khoa Ung bướu, Bệnh viện Quận Thủ Đức, TP.HCM cho biết bệnh viện này đang điều trị cho bệnh nhân V.T.M.N. 57 tuổi.
Bà N. phát hiện bướu cổ dạng bướu giáp đa nhân từ lâu. Khoảng 4 năm nay, bà chịu thêm thêm tình trạng cường giáp (dạng bướu giáp độc), tăng huyết áp và rơi vào tình trạng suy thận mãn.
Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng tức ngực, có cảm giác vướng, nặng ở ngực. Sau khi thăm khám, xét nghiệm, các bác sĩ tiến hành mổ cắt toàn bộ tuyến giáp nặng khoảng 550g. Hiện bệnh nhân không còn cảm thấy tức ngực, khó thở. Sau mổ bệnh nhân không khàn tiếng, không tê tay chân.
Ca phẫu thuật gặp nhiều khó khăn do bướu lớn, đồng thời bệnh nhân mắc cùng lúc nhiều bệnh nên rủi ro rất cao. Để thực hiện ca mổ, 4 chuyên khoa phối hợp để tiến hành chạy thận cho bệnh nhân trước và sau khi mổ, điều chỉnh duy trì chức năng tuyến...
Thông thường đa số nhân giáp thuộc dạng bướu cổ lành tính không cần can thiệp. Tuy nhiên, cần chú ý các triệu chứng của bệnh bướu cổ như: nhân giáp lớn nhanh, gây chèn ép khó thở, khó nuốt, nặng ngực, hoặc nhân giáp kèm theo hạch cổ (nghi ngờ bệnh bướu cổ ác tính), nhân giáp kèm theo mệt, mất ngủ, hồi hộp... phải đi khám ngay.
Bác sĩ sẽ cân nhắc mổ nhân giáp khi ác tính hoặc nghi ngờ ác tính, nhân giáp gây chèn ép khó thở, khó nuốt, hoặc nhân giáp kèm cường giáp. Nhân giáp độc có thể mổ hoặc phóng xạ, trong đó phương pháp mổ giúp giải quyết nhanh và đơn giản hơn với điều kiện mổ tốt.
Bác sĩ Nguyễn Triệu Vũ khuyến cáo, nếu bướu giáp nhân được chỉ định mổ nhưng lâu ngày không mổ có thể gây cường giáp (gọi là bướu giáp độc). Độc ở đây không phải dạng ung thư mà do tiết nhiều hormon tuyến giáp gây cường giáp.
Bệnh bướu cổ thông thường không liên quan đến suy thận, nhưng nếu kèm theo tình trạng tăng huyết áp, có thể gây suy thận. Cường giáp không kiểm soát tốt có thể làm nặng thêm tình trạng tim mạch, tăng khả năng suy thận. Tình trạng suy thận nặng của bệnh nhân có thể liên quan đến tăng huyết áp và nặng thêm do cường giáp.