Bệnh nhân là bà P.T.N. (49 tuổi, xã Ea Tar, huyện Cư M’gar, tỉnh Đắk Lắk). Ngày 17/11, bà N. xuất hiện các triệu chứng sợ nước, sợ gió, mệt mỏi.
Tại Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên, bà N. được chẩn đoán theo dõi bệnh dại lên cơn. Chưa đầy một ngày sau, bệnh nhân qua đời.
Theo gia đình người bệnh, khoảng 2 tháng trước, bà bị chó nuôi trong nhà cắn vào cánh tay phải nhưng không đi tiêm vaccine phòng bệnh dại.
Đây là trường hợp không qua khỏi nghi do bệnh dại thứ 7 trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk tính từ đầu năm đến nay. Điểm chung của hầu hết nạn nhân là bỏ qua việc tiêm vaccine sau khi bị chó cắn.
Một tháng trước, địa phương này cũng ghi nhận trường hợp người phụ nữ 53 tuổi qua đời nghi do mắc bệnh dại. Trước đó, người bệnh bị chó cắn vào chân phải nhưng không tiêm vaccine.
Sau 2 tháng, bà đột nhiên bị co giật và được người nhà chuyển đến Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên để theo dõi bệnh dại lên cơn. Do tình trạng bệnh nặng, gia đình đã xin cho bệnh nhân về nhà. Người bệnh qua đời một ngày sau đó.
Dại là một trong những bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do virus dại gây ra, thường tác động lên hệ thần kinh nên có thể đe dọa đến tính mạng con người.
Bệnh chưa có phương pháp điều trị đặc hiệu. Do đó, việc chủ động phòng bệnh bằng vaccine hoặc huyết thanh kháng dại sau khi bị chó cắn, mèo cào là việc làm rất quan trọng và cần thiết.
Bên cạnh đó, khi bị chó, mèo cào, cắn, người dân có thể xử trí theo những bước sau:
- Rửa sạch vết thương dưới vòi nước sạch 5-10 phút bằng xà phòng và sát khuẩn bằng dung dịch sát khuẩn thông thường
- Không nặn máu từ vết thương, không bôi, đắp bất cứ dung dịch, lá, thuốc để tránh nhiễm trùng vết thương, khiến virus xâm nhập sâu hơn
- Đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn tiêm vaccine phòng bệnh dại càng sớm càng tốt.
Bên cạnh đó, các hộ gia đình có nuôi chó mèo cần phải tiêm vaccine phòng chống dại theo định kỳ, theo dõi chó nếu có bất thường và phải báo ngay cơ quan chức năng. Các hộ nuôi chó mèo cần xích nhốt chó, không thả rông.