Bà Nguyễn Thị Lực (hơn 80 tuổi) và 6 người con “điên” ở (Hạ Hoà, Phú Thọ) từng được nhiều người biết đến bởi câu chuyện "mong cho các con ăn một bữa no rồi cùng nhau chết" vừa qua đời, sau một thời gian dài bị bệnh.
Người thân của bà Lực cho biết, 50 năm trước, bà Lực lấy chồng và sinh 9 người con. Thế nhưng, có đến 6 người con đến tuổi lên bảy, lên tám bỗng nhiên phát bệnh, người đờ ra, mắt dại đi rồi ngớ ngẩn, tâm thần. Sau đó 1 người bệnh tật không may tử vong, còn 2 người con minh mẫn hơn đã lập gia đình và ở gần bà Lực.
Còn chồng bà Lực trước đây cũng tham gia đánh giặc rồi đi qua vùng địch rải chất độc da cam. Sau đó, sức khoẻ yếu, tuổi mới lục tuần nhưng ông bị bệnh tim rồi qua đời, để lại cho bà Lực những đứa con điên dại.
Trước khi chết, chồng bà Lực căn dặn, khi nào sức cùng, lực kiệt, không nuôi nổi 6 người con tâm thần thì cho chúng ăn một bữa no sau đó dồn hết chỗ thuốc ngủ ông để lại cho con uống để chúng đi cùng bà một lần. Thế nhưng, làm mẹ bà Lực không đủ dũng khí làm điều đó.
Trước đây, bà Lực và 6 người con tâm thần sống trong ngôi nhà tranh vách đất xập xệ. Đến năm 2017, câu chuyện của bà "muốn cho các con ăn một bữa no rồi cùng nhau chết" được báo chí đăng tải và chạm đến trái tim hàng triệu độc giả. Từ đó, nhờ những tấm lòng thơm thảo, căn nhà của bà Lực được xây dựng khang trang, chắc chắn. Bà Lực và 6 người con không phải sống trong cảnh nhà đột nát và có những bữa ăn được tươm tất hơn.
Sau bao năm lăn lộn, gồng gánh nuôi 6 người con khiến sức bà Lực đã tàn. Năm 2019, bà sức khỏe bà yếu dần rồi nằm bẹp một chỗ, không đi đâu được. Bà đổ bệnh gần 1 năm thì mất. Ngày 1/11, hàng xóm láng giềng vạ họ hàng gần xa đã đưa bà về nơi an nghỉ cuối cùng.
“Bà Lực khổ đến cuối đời vẫn chưa hết khổ, bà ấy bị hoại tử ăn vào đến tận xương. Cả một đời khổ cực vì các con đến lúc nhắm mắt thân thể cũng không được lành lặn”, người thân bà Lực nói.
Khi biết mình sắp mất, bà Lực gọi người thân lại dặn dò, bà mong muốn khi bà mất mọi người cố gắng thay nhau nuôi dưỡng 6 anh chị em đang bị bệnh. Còn nếu không chăm sóc được thì cho 6 người con "điên dại" của bà vào trung tâm bảo trợ xã hội.
Theo người thân bà Lực, họ chưa thấy đám tang nào đau xót như đám tang của bà Lực. Khi bà Lực mất, 6 người con ‘điên’ dại vẫn cười nói, đùa nghịch.
Sau khi bà Lực mất, người thân họp bàn lại về những người con bị bệnh của bà, người muốn giữ lại nuôi, có người lại muốn đưa vào trung tâm bảo trợ xã hội.
“Hiện tại, mẹ tôi vừa mới mất nên gia đình vẫn chưa có quyết định đưa vào trung tâm bảo trợ xã hội hay để các anh chị lại chăm sóc, chúng tôi mới chỉ họp bàn thôi”, anh C. (con trai út bà Lực) cho biết.
Theo anh C., trước khi mẹ anh khoẻ mạnh cũng có tâm nguyện muốn người thân trong gia đình chăm sóc các anh chị kém may mắn. Còn khi mẹ anh mất bà sức khoẻ yếu cũng không dặn dò được.