Trưa 29/5, khi đang trên đường lên Tam Đảo (tỉnh Vĩnh Phúc) sửa xe máy, anh Đinh Văn Chiến, khoảng 30 tuổi, trú xã Hồ Sơn, huyện Tam Đảo thấy chiếc xe SH mode đâm vào đuôi xe khách 29 chỗ nhưng không dừng lại, tiếp tục lao vun vút. Trên xe máy có 3 người, gồm 2 người lớn và 1 trẻ nhỏ.
Bằng kinh nghiệm, anh Chiến đoán xe máy mất phanh, vội quay ngược lại và đuổi theo. Khi đến gần, một tay anh điều khiển xe, tay còn lại giữ phía sau chiếc SH đến khi dừng lại an toàn.
"Thời điểm đó, người đàn ông điều khiển xe SH đang cố lê 2 chân xuống đường để phanh nhưng không đủ lực. Khi tôi tiếp cận, cả 3 người trên xe đều hoảng loạn", anh Chiến kể.
Những người ngồi trên xe SH mode mất phanh gồm anh Long, chị Duyên và cháu bé là con của em gái chị Duyên. Họ cùng thuộc một nhóm bạn đi chơi Tam Đảo chiều 28/5, không phải một gia đình như nhiều thông tin trên mạng xã hội.
Đến trưa 29/5, nhóm rời Tam Đảo, khi đổ đèo không may gặp nạn tại km17 – nơi thường xuyên xảy ra tai nạn. Anh Long, người điều khiển xe SH mode, mới từ Huế ra Vĩnh Phúc chơi 2-3 tháng nay, chưa quen đi xe đường đèo.
Phát hiện xe mất phanh, dù lái không vững, anh Long cố gắng đi chậm, tạt vào bên trong chiếc xe 29 chỗ của anh Nguyễn Hải Sinh, 49 tuổi. Nhờ đó, tốc độ xe máy được ghìm xuống rất thấp. Nghe tiếng đâm mạnh phía sau, anh Hải Sinh nhìn qua gương, phát hiện xe máy.
Xe khách với tốc độ 10km/h dừng lại, xe máy của anh Long lách qua và trôi thẳng. Phía sau là xe máy khác do anh Chiến cố gắng bám đuôi để kéo lại.
"Tôi chỉ nghĩ là xe máy gây tai nạn rồi bỏ chạy. Sau khi đuổi theo hai xe máy, thấy có người thả 2 chân để phanh, tôi mới biết là xe mất phanh", anh Sinh kể.
Sau cú đâm, anh Long quệt hai chân xuống mặt đường, dùng sức tiếp tục phanh xe. Thông báo với mọi người trên xe, anh Sinh tính nếu tiếp cận được xe máy, sẽ mở cửa để giữ người lại, kết hợp với anh Chiến ứng cứu khẩn cấp. Đến khi được anh Chiến giúp đỡ, cả 3 người trên xe máy mới thở phào nhẹ nhõm.
Nhờ mang theo đồ nghề sửa xe máy, anh Chiến thay 2 má phanh trước và sau cho chiếc SH mode, để họ tiếp tục hành trình xuống núi an toàn cách đó 4-5 km.
"Tôi quen anh Chiến từ trước vì cùng làm bất động sản, không ngờ được anh cứu sống trong hoàn cảnh này, cảm thấy rất may mắn. Chúng tôi cảm ơn anh ấy rối rít", chị Duyên kể.
"Ai trong trường hợp đó cũng sẽ hành động như tôi. Tôi đi sửa xe lưu động ở khu vực này nhiều nên biết xử lý tình huống, còn người ngoài họ khó có thể kéo chiếc xe máy lao dốc lại", anh Chiến kể.
Đoạn clip ghi lại cảnh anh Chiến cứu giúp 3 người trên xe máy SH mode được đăng tải và chia sẻ rộng rãi trên mạng xã hội. Nhiều người gọi anh là "người hùng" ngoài đời thực, nhưng anh khiêm tốn nói nhờ có camera hành trình của xe khách nên mới được biết đến. Trước đây, anh từng âm thầm giúp nhiều trường hợp mất phanh đổ đèo Tam Đảo.
"Người hùng" chia sẻ, có những lần cứu người mất phanh, vì dùng lực quá sức khiến tay anh bị cứng lại. Cũng có những người nghĩ anh là kẻ cướp mà không hề hay biết xe mất phanh. Chỉ khi anh kéo lại, bóp 2 phanh rồi dắt xe vẫn trôi dốc họ mới tin.
"Tôi không nhớ được mình đã cứu được bao nhiêu trường hợp bị mất phanh khi xuống đèo Tam Đảo", anh Chiến tiếc rằng không thể cứu một số người do xe của họ lao quá nhanh.
Anh Nguyễn Hải Sinh có nhiều năm kinh nghiệm chạy xe khách tuyến Tam Đảo khuyến cáo du khách không nên đổ đèo bằng xe máy ga. Đèo Tam Đảo vốn nổi tiếng nguy hiểm, bóp phanh xe ga có thể dẫn đến hỏng khiến phương tiện trôi tự do.
"Rất may bạn Long đi xe máy xử lý tốt. Nếu không đâm vào đuôi xe khách của tôi, xe có thể bay qua vực. Đèo Tam Đảo rất nguy hiểm, hi vọng du khách lái xe an toàn", anh Sinh nói.