Anh Khoa (29 tuổi, ở Hà Nội) là một chàng trai ưa vận động, chăm chút đến ngoại hình và thường xuyên tập luyện thể thao. Từ khi còn độc thân, cho đến năm 27 tuổi lấy vợ, Anh Khoa chỉ tập trung vào công việc, chơi thể thao chứ không bao giờ tụ tập quán xa, bia rượu cùng bạn bè.
Đến khi lấy vợ, Anh Khoa vẫn được những người xung quanh coi là hình mẫu đáng học hỏi khi có công việc thăng tiến, luôn dành thời gian chăm lo sức khỏe bản thân và gia đình, hết lòng yêu chiều người vợ bằng tuổi. Thế nhưng điều khiến vợ chồng Khoa buồn và lo lắng nhất là sau 2 năm kết hôn, quan hệ bình thường nhưng chưa có tin vui. Gần đây, được sự động viên của mọi người, vợ chồng khoa đã đi khám sức khỏe sinh sản.
TS.BS Phan Chí Thành - Chánh văn phòng Trung tâm Đào tạo (Bệnh viện Phụ sản Trung ương), người thăm khám cho vợ chồng Khoa cho biết, kết quả của người vợ hoàn toàn bình thường, trong khi xét nghiệm tinh dịch đồ cho thấy người chồng không có tinh trùng.
Thanh niên đam mê tập gym, có cơ bắp cuồn cuộn nhưng lại gặp vấn đề khó nói. Ảnh minh họa.
“Nhìn vào thân hình vạm vỡ, cao lớn của người chồng, tôi rất bất ngờ với kết quả. Hỏi thêm về tiền sử bệnh tật và thói quen sinh hoạt thì nam bệnh nhân không hề sử dụng thuốc lá, rượu bia, cũng chưa từng mắc bệnh như quai bị”, bác sĩ Thành chia sẻ.
Khai thác sâu hơn, bác sĩ biết thêm rằng, vì đam mê cơ bắp, Khoa tham gia tập gym đến nay đã hơn 10 năm và trong quá trình đó có sử dụng thực phẩm bổ sung tăng cơ chứa testosterone và đây chính là nguyên nhân dẫn tới việc cạn kiệt con giống. Theo bác sĩ, hiện rất nhiều người trẻ có thói quen này và đây không phải trường hợp đầu tiên bị cạn tinh trùng do bổ sung testosteron.
Bác sĩ Thành cho biết, testosterone là một homrone sinh dục nam quan trọng nhất được tổng hợp chủ yếu tại tinh hoàn (95%) và một phần nhỏ ở tuyến thượng thận (5%). Việc bổ sung testosterone phải có chỉ định của bác sĩ.
Việc lạm dụng testosterone ngoại sinh gây ra nhiều vấn đề sức khỏe cho các quý ông, trong đó có việc làm giảm khả năng sinh tinh của nam giới. Nếu tình trạng này kéo dài sẽ làm suy giảm chức năng tinh hoàn, tác động trực tiếp lên khả năng sinh tinh và gây vô sinh nam như trường hợp bệnh nhân trên.
Tự ý bổ sung testosteron rất nguy hiểm, không chỉ ảnh hưởng tới ức khỏe sinh sản mà có thể gây nhiều vấn đề khác. Ảnh minh họa.
Ngoài vấn đề sinh sản, lạm dụng testosteron còn gây ra nhiều vấn đề khác cho sức khỏe. Bác sĩ Nguyễn Hoài Thu (Viện Y học Ứng dụng Việt Nam) cho biết, việc bổ sung hormone được xem là nhóm thuốc hỗ trợ tăng cơ nhanh nhưng cũng ẩn chứa tác dụng không mong muốn, bởi các thuốc tăng cơ bắp chỉ có thể giúp gia tăng khối cơ và sức mạnh của cơ nhưng không giúp hỗ trợ hệ gân xương và dây chằng. Điều này dẫn tới sự mất cân đối trong quá trình phát triển của hệ cơ xương khớp, dễ gây chấn thương cũng như nhiều tác dụng phụ nguy hiểm lên hệ tim mạch, hệ hô hấp, xương khớp…
Bác sĩ Hoài Thu cảnh báo, việc lạm dụng thuốc tăng cơ kéo dài có thể gây ra những hệ lụy như: rối loạn phát triển chiều cao, mọc mụn trứng cá, rối loạn hệ nội tiết sinh dục, tổn thương gan, tăng cholesteron máu, bệnh lý tim mạch, gây nghiện lệ thuộc vào thuốc… Ngoài ra còn có thể làm thay đổi tâm trạng thất thường, trầm cảm, ảo tưởng, lo lắng, thái độ gây hấn hoặc thù địch.
Bác sĩ Thu khuyên mọi người, để có thể tăng cơ nhanh và hiệu quả nhưng vẫn an toàn, cần thực hiện:
- Tiêu thụ lượng calo vừa phải: cần ăn đủ calo để cung cấp nhiên liệu cho việc xây dựng cơ bắp đồng thời khuyến khích giải phóng chất béo từ kho dự trữ.
- Tăng cường tiêu thụ protein: trung bình 1 người trưởng thành cần 0.8-1g protein/kg cân nặng, người tập luyện nặng hay tập gym đôi khi có thể có thể tăng tỉ lệ này lên gấp rưỡi, tối đa là gấp đôi
- Tránh ăn nhiều carbohydrate xấu: vì có thể khiến nồng độ insulin tăng đột biến và ức chế hormone thúc đẩy tăng cơ bắp.
- Không để lượng chất béo nạp vào nhiều hơn 30% tổng lượng calo hàng ngày, ưu tiên chất béo tốt.
- Uống đủ nước: Cơ thể khi mất nước sẽ hạn chế giải phóng testosterone do tăng sản xuất ra hormone cortisol gây căng thẳng.
- Tập luyện, tăng cường các bài tập kháng lực: Quá trình vận động và tập luyện bình thường sẽ làm rách cơ bắp, tại đó tiết ra cytokin - đây là một phân tử gây viêm, đồng thời kích thích hệ miễn dịch để sửa chữa những vết rách, đó chính là cách cơ bắp to ra và khỏe hơn.
- Ngủ đủ giấc: thiếu ngủ gây ra sự gián đoạn tiết hormone, có thể làm mất cơ, teo cơ. Ban đêm lúc bạn ngủ là lúc testosterone được tạo ra - hormone quan trọng trong việc duy trì và xây dựng khối cơ.
* Tên bệnh nhân trong bài đã được thay đổi