Sau 7 ngày nằm viện, bé gái L.N.N.U. (3 tuổi, tỉnh Đồng Tháp) bị mẹ cho uống thuốc diệt cỏ chứa độc chất propanil đã được xuất viện.
Bác sĩ Nguyễn Minh Tiến, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng thành phố (TP.HCM) khẳng định: Bé U. được đưa đến cấp cứu kịp thời, nếu không sẽ tử vong do suy hô hấp. Thuốc diệt cỏ có nhiều loại khác nhau, trong đó loại Platin (tên hóa học là butachlor) có chứa độc chất butachlor và propanil.
Chất propanil khi vào cơ thể gây nên tình trạng oxy hóa dẫn đến tình trạng thiếu oxy mô, tím tái và nhanh chóng dẫn đến tử vong. Rất may mắn, bệnh viện có thuốc giải độc propani nên cháu U. được cứu sống sau 7 ngày nằm viện.
Người nhà cho biết, vào đêm 25/1/2018, chị N.N.T. 29 tuổi vì giận chồng nên lấy chai thuốc diệt cỏ cho hai mẹ con cùng uống. Lúc đó, chị T. uống chai thuốc diệt cỏ 500ml như “uống như uống nước lã”.
Con gái chị là bé U. bị mẹ pha thuốc diệt cỏ chung với sữa rồi rót vào ly nhỏ uống nước trà để cho bé uống. Khi người nhà phát hiện, cả hai mẹ con đều trong tình trạng tím tái vì suy hô hấp.
Rạng sáng 26/1, người nhà phát hiện đưa hai mẹ con đi bệnh viện cấp cứu. Bé U. được chuyển lên Bệnh viện Nhi đồng thành phố và xuất viện vào ngày 2/2. Còn chị T. sau khi đưa vào Bệnh viện Chợ Rẫy cũng đã cho về nhà. Tuy nhiên, gia đình quyết định đưa chị vào một ngôi chùa ở Long An để chữa trị bằng Đông y. Người nhà cho biết chị đã tỉnh lại 2 ngày sau đó và hiện đã khỏe lại, có thể ăn cháo và nói chuyện được.
Theo lời kể của anh L.V.L. (29 tuổi, chồng chị T.) trước khi sự việc xảy ra, hai vợ chồng có cãi nhau và anh có viết đơn ly dị vợ nhưng với mục đích hù dọa vợ. Không ngờ chị T. quá bế tắc đã có hành vi dại dột.
Chị T. là giáo viên còn anh L. làm nông. Bé L.N.N.U. là đứa con gái duy nhất của vợ chồng anh. Bé sinh non nên bị bệnh lý võng mạc dẫn đến mù hai mắt. Anh L. hay nhậu nhẹt nên vợ chồng hay cãi nhau.
Bác sĩ chuyên khoa 2 Trần Minh Khuyên, Trưởng phòng Kế hoạch – Nghiệp vụ, Trưởng phòng khám Tâm thần, Trung tâm Y tế Quận 3, TP.HCM cho biết những trường hợp như chị T. đã có thể tránh khỏi hành vi dại dột nếu được chia sẻ và nâng đỡ về mặt tinh thần. Những stress kéo dài đã dẫn đến tình trạng trầm cảm nặng nề: “Trường hợp của chị T., bác sĩ tâm lý sẽ phải cho thuốc chống trầm cảm, chống lo âu; điều trị nâng đỡ về mặt tâm lý, an ủi chia sẻ để chị thay đổi cách nhìn về cuộc sống. Khi không còn một chỗ dựa nào trong cuộc sống, từ vật chất cho đến tinh thần, khó tránh khỏi những hành vi tự kết liễu sự sống”.