Đó là trường hợp của anh T.T.V. (35 tuổi, ngụ TP Thủ Đức, TPHCM).
Trước đó vào tối 22/4, anh V. có ăn nửa trái xoài. Khi vừa ngủ dậy, anh mệt lả người, đau ngực, khó thở, không ngồi được nên gọi người nhà đưa đi cấp cứu. Trên đường đến bệnh viện, người đàn ông nôn ói liên tục.
Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng khó thở, da sạm đen, huyết áp tăng. Bệnh nhân cũng bị suy thận mạn giai đoạn cuối, phải lọc máu chạy thận định kỳ 3 lần/tuần.
Bệnh nhân được tiến hành xét nghiệm máu và nước tiểu để đánh giá chức năng lọc của thận, kết quả ghi nhận định lượng creatinin trong máu cao gấp 10 lần bình thường, kali ở mức 7.56 mmol/l (người bình thường 3.5-5.1 mmol/l), ure máu tăng 3 lần ngưỡng bình thường.
Bác sĩ chuyên khoa 1 Tôn Minh Trí, khoa Cấp cứu nhận định, anh V. bị suy thận cấp trên nền suy thận mạn giai đoạn cuối. Lập tức, người bệnh được dùng thuốc hạ kali máu và chuyển đến khoa Hồi sức cấp cứu (ICU) để lọc máu. Sau 8 tiếng, người đàn ông khỏe, ăn uống bình thường trở lại.
Tại bệnh viện, anh V. cho biết, thời điểm cuối năm 2022, anh liên tục đau lưng dù làm việc nhẹ, nhiều lần ăn cơm xong thì bị nôn. Bệnh nhân nghĩ do trào ngược dạ dày, đi khám ở nhiều bệnh viện đều chẩn đoán thận bình thường.
Đến tháng 3, anh V. phù chân, tay, mặt sưng nhưng vẫn nghĩ do tăng cân. Sau đó, anh khó tiểu, bụng phình to. Khi vào viện kiểm tra chỉ số creatinin, các bác sĩ mới phát hiện anh bị suy thận mạn giai đoạn cuối, phải chạy thận định kỳ.
Lúc này, người đàn ông nhớ lại hơn 10 năm nay, mỗi ngày anh đều uống 4-5 lon nước ngọt, trong khi lượng nước lọc uống cả năm chưa đến 20 lít. Anh cũng không đi khám sức khỏe định kỳ, cho đến ngày phát hiện suy thận nặng thì hối hận đã muộn màng.
Theo bác sĩ Trí, có nhiều nguyên nhân dẫn đến suy thận mạn, như tăng huyết áp, hội chứng thận hư, sỏi thận, viêm cầu thận, biến chứng mạn tính của bệnh đái tháo đường…
Riêng việc uống nhiều nước ngọt làm tăng nguy cơ béo phì, tiểu đường, tăng huyết áp… Khi huyết áp không được kiểm soát trong thời gian dài, các mạch máu trong cơ thể bị tổn thương, giảm lượng máu cung cấp đến thận, phá hủy bộ lọc ở cầu thận.
Đặc biệt, thức uống có ga chứa axit photphoric (H3PO4) làm thay đổi thành phần nước tiểu, thúc đẩy sỏi thận, dẫn đến suy thận mạn tính. Theo một nghiên cứu đăng trên tạp chí Epidemiology, uống 2 ly nước ngọt có ga (dù chứa đường tự nhiên hay đường nhân tạo) mỗi ngày làm tăng nguy cơ suy thận mạn tính gấp 2 lần.
Cũng theo bác sĩ Trí, bệnh suy thận mạn tính khi ở các giai đoạn đầu thường không có triệu chứng rõ ràng, dễ nhầm lẫn với các bệnh khác. Đến khi xuất hiện tình trạng sạm da, đau lưng, tiểu ít, phù nề… thì bệnh đã ở giai đoạn 5 (hay giai đoạn cuối). Do đó, người dân cần thường xuyên đi khám sức khỏe định kỳ, xét nghiệm máu, nước tiểu để kiểm tra chức năng thận.
Với người bệnh thận (như viêm cầu thận, sỏi thận…), bác sĩ khuyên không nên uống nước ngọt để tránh bệnh tiến triển đến suy thận. Khi đã ở vào giai đoạn suy thận đang lọc máu, cần uống thuốc, tuân thủ chế độ ăn uống chặt chẽ theo hướng dẫn của bác sĩ.
Cụ thể, nên ăn ớt chuông đỏ, bắp cải, súp lơ, tỏi, hành tây, ức gà, đồng thời hạn chế ăn trái cây, rau củ nhiều nước và dùng các loại thuốc dân gian, đông y… sẽ tăng kali, khiến người bệnh có nguy cơ biến chứng ngưng tim, dễ tử vong. Trước khi ăn rau, củ luộc cần vắt ráo nước.
"Một số loại trái cây nhiều kali người suy thận mạn nặng cần tránh như xoài chua, trái cây khô, sầu riêng, bưởi, mít, chanh, nước cam, chuối, cà chua, bí đỏ, rau muống" - bác sĩ dẫn chứng.