Tôi cho rằng cuộc tranh luận đó là 100 phần trăm vô nghĩa, và đây là một vài lý do của tôi:
1. Không có cái gì gọi là "cách sinh con dễ dàng"
Là một người mẹ từng trải qua cả sinh thường và sinh mổ, tôi có thể khẳng định rằng: Không hề có cách "dễ dàng" nào để đưa một đứa trẻ bằng da bằng thịt ra khỏi cơ thể người mẹ! Tôi không phải người duy nhất có quan điểm này. Bác sỹ đa khoa Adrianne Browning – người phụ trách chuyên ngành sản phụ khoa của Bệnh viện Đại học Baylor ở Dallas (Mỹ) cũng đồng ý rằng: "Mặc dù sinh nở là một quá trình tự nhiên của cơ thể chúng ta, nhưng quá trình đó chưa bao giờ là điều dễ dàng."
2. Người mẹ vẫn gặp phải các vấn đề về trầm cảm sau sinh như những người khác
Sau ca sinh mổ, tôi phải đối mặt với tình trạng chảy máu, cảm giác chán nản, những đêm mất ngủ, tâm trạng bất an và những cuộc vật lộn chẳng khác những gì tôi đã từng trải qua sau khi sinh thường đứa con đầu lòng. Cách mà cô con gái thứ hai của tôi chào đời chẳng thể giúp tôi thay đổi tâm trạng hay khắc phục những khó khăn khi nuôi con.
Tôi vẫn khóc trong hai tuần đầu sau sinh. Tôi vẫn tỉnh dậy mỗi giờ để cho con bú. Tôi vẫn tìm mọi thứ trên Google để đảm bảo con bé vẫn khỏe mạnh. Tôi vẫn phải tìm đến kem nhũ hoa để xoa dịu cơn đau trong những ngày đầu cho con bú. Tôi vẫn thay cho con 13 cái bỉm mỗi ngày. Và tôi vẫn yêu con bé vô điều kiện. Cách mà con bé đến với thế giới này không thể quyết định được tôi phải làm mẹ con bé như thế nào.
3. Các ca sinh mổ thường được thực hiện để đảm bảo an toàn cho trẻ
Con gái tôi bị ngôi thai ngược. Khi bác sỹ cho tôi biết những hậu quả khủng khiếp của số ít ca sinh thường có ngôi thai ngược không thành công, tôi bật khóc và nghĩ đến mối nguy hiểm mà con bé có thể gặp phải chỉ vì chúng tôi không chọn sinh mổ. Bác sỹ Browning cũng đồng ý rằng các ca sinh mổ thường được thực hiện để đảm bảo trẻ chào đời khỏe mạnh nhất có thể: “Sinh mổ có thể cứu sống người mẹ và đứa trẻ”.
4. Những ngày đầu tiên trong quá trình hồi phục có thể là một cơn ác mộng
Bà mẹ tên Vicki Young ở miền nam Colorado cho biết cô đã gặp rất nhiều khó khăn trong quá trình hồi phục sau ca sinh mổ khi vết mổ của cô bị nhiễm trùng và mất hàng tháng trời để liền lại. Chia sẻ về những ngày đầu tiên sau sinh, cô cho biết: “Tôi thực sự tuyệt vọng. Tôi không thể chăm sóc bản thân, nói gì đến chuyện chăm sóc con. Tôi rất đau khi bế thằng bé. Đó là nỗi đau tồi tệ nhất tôi từng trải qua.”
5. Sinh mổ có thể gây ra nhiều nguy cơ nghiêm trọng hơn cho người mẹ
Lựa chọn phương pháp sinh mổ chắc chắn không phải một cách sinh con dễ dàng bởi nó có thể dẫn đến hàng loạt vấn đề đi kèm. Bác sỹ Browning giải thích: “Người mẹ sinh mổ phải đối mặt với nguy cơ bị cắt bỏ tử cung sau sinh và bị mô sẹo ảnh hưởng đến phẫu thuật sau này cao hơn." Bác sỹ chuyên khoa sản phụ khoa Octavia Cannon (bang North Carolina), cũng khẳng định rằng các biến chứng nghiêm trọng như nghẽn tĩnh mạch sâu, chảy máu hoặc nhiễm trùng nhiều khả năng xảy ra sau ca sinh mổ hơn là sinh thường.
6. Tình yêu của người mẹ không thể đong đếm được bằng cách người mẹ sinh con
Sinh con chỉ là quá trình đầu tiên của chặng đường làm mẹ. Việc cho rằng mẹ lựa chọn phương pháp sinh mổ không phải một người mẹ thực sự là hoàn toàn sai và xúc phạm người mẹ. Theo bà mẹ Karen Schneider ở New Jersey: “Tôi nghĩ rằng một ‘người mẹ thực sự’ là bất kỳ người phụ nữ nào lựa chọn yêu thương và chăm sóc cho đứa con của họ, cho dù đứa con đó được sinh thường, sinh mổ, sinh hộ hay được nhận nuôi. Định nghĩa về một người mẹ thực sự không thể xác định bằng phương pháp sinh nở cần thiết.”
7. Phương pháp sinh mổ không ảnh hưởng tiêu cực đến tình cảm mẹ con
Sau ca sinh mổ bất ngờ, con gái tôi được đặt ngay trong vòng tay tôi để hai mẹ con có những tiếp xúc chân thực đầu tiên. Theo bác sỹ Cannon, trẻ sơ sinh thường được trao cho người mẹ để thực hiện da tiếp da trong khi các bác sỹ đang thực hiện các thao tác cuối cùng để hoàn thành ca mổ. Trong trường hợp người mẹ không bế được trẻ, người nhà sẽ đảm nhận vai trò này.
8. Quá trình hồi phục quả thật rất khổ sở nếu người mẹ có cả những đứa con khác
Khi tôi trải qua ca sinh mổ, cậu con trai 19 tháng tuổi của tôi không thể hiểu vì sao tôi không thể bế thằng bé và chăm sóc thằng bé như tôi vẫn làm trước đó. Mỗi lần thằng bé muốn tôi ôm vào lòng và tôi phải từ chối, tôi đã khóc. Tim tôi như vỡ ra cả triệu mảnh khi nhìn thấy nỗi buồn dai dẳng trong mắt thằng bé. Quả thực, nếu lần sinh con thứ hai của tôi là sinh thường, tình cảm giữa tôi và thằng bé hẳn sẽ chẳng bị cản trở như thế.
9. Tranh luận sinh thường hay sinh mổ khiến người khác tổn thương
Tôi và nhiều bà mẹ sinh mổ khác cảm thấy toàn bộ cuộc tranh luận này khá vô cảm với những khó khăn chúng tôi phải trải qua chỉ để các con chào đời khỏe mạnh, an toàn. Đó không phải là điều chúng tôi có thể lựa chọn, mà là điều cần thiết chúng tôi phải làm. Làm mẹ thực sự đã đủ khó khăn rồi, vậy nên đừng tranh cãi về vấn đề ai sinh con “đúng cách”.