Những tưởng rằng "trẻ con thì biết gì đâu mà buồn" nhưng thực ra chính vì không biết gì nên mới buồn nhiều, thậm chí lòng tự ái của chúng còn cao hơn so với người lớn.
Khi đặt lên bàn cân so sánh 2 đứa trẻ, đứa sống trong môi trường có tình yêu thương cũng sẽ luôn vui vẻ và tích cực hơn đứa còn lại, môi trường sống là yếu tố ảnh hưởng nặng nề lên tâm hồn trẻ thơ.
Xã hội phát triển, cuộc sống ngày càng cải thiện nhưng cùng với đó các bậc phụ huynh lại mất nhiều thời gian vào công việc và không có nhiều thì giờ lo cho con cái. Tuy nhiên họ lại muốn con mình cố gắng học tập tốt hoặc làm mọi thứ theo đúng ý họ, điều này khiến con trẻ tổn thương và có xu hướng chống đối.
Cũng vì thế, khi con không làm theo ba mẹ sẽ phê bình hoặc trách phạt bất kể thời điểm mà không để ý đến tâm lý con trẻ.
Tất nhiên khi dạy con, việc la mắng không phải là không thể nhưng các bậc phụ huynh cần chú ý bởi có những thời điểm không bao giờ phù hợp để trách phạt con, những lúc ấy các con dễ bị tổn thương hơn, tâm lý ảnh hưởng tiêu cực hơn.
Ông bà xưa có câu "trời đánh tránh bữa ăn" nhưng hầu hết các bậc phụ huynh ở Châu Á lại thường chọn thời gian này để "nói chuyện" với con trẻ vì họ cho rằng chỉ có bữa cơm cả nhà quây quần mới thích hợp "bàn luận". Thực chất việc đó gây tác dụng ngược, con trẻ sẽ mang tâm lý không thoải mái vào bữa ăn. Nếu tình trạng kéo dài sẽ khiến con trẻ chán nản hoặc sợ bữa cơm gia đình, thậm chí không muốn tiếp xúc nhiều người thân hay họ hàng và sẽ tìm cách tránh mặt khi gia đình có tiệc tùng.
Ngoài bữa ăn thì trước lúc con trẻ ngủ ba mẹ cũng cần tránh sự rầy la để giấc ngủ con mình được thoải mái giúp cho tinh thần sảng khoái bắt đầu cho ngày mới đầy năng lượng. Nếu trước khi con đi ngủ lại bị la sẽ khiến chúng suy nghĩ rất nhiều về những thứ tiêu cực, tâm lý ảnh hưởng không ít.
Một thời điểm vô cùng quan trọng chính là khi đang ở nơi công cộng, nếu ba mẹ la mắng con em mình sẽ khiến chúng có cảm giác xấu hổ trước nhiều người. Dù là trẻ con nhưng chúng có lòng tự trọng rất cao, tất nhiên dù là người lớn hay trẻ em thì chẳng ai muốn mất mặt trước chỗ đông người. Có đôi khi các bậc phụ huynh lại cho rằng làm thế là tốt cho con vì khi có nhiều người chứng kiến con mình sẽ biết ngại rồi nhận ra lỗi lầm để sửa sai.
Trong lúc con trẻ đã nhận ra lỗi sai và đang trong quá trình sửa lỗi, đừng nhắc đi nhắc lại về cái sai con đã gây ra khiến chúng nghĩ rằng ba mẹ không quan tâm nên không nhận ra sự thay đổi của chúng hoặc chúng sẽ thấy việc mình nhận lỗi không có ý nghĩa với ba mẹ.
Bên cạnh đó, lúc con đang vui chơi với tâm trạng thoải mái vui vẻ mà nhận được những lời trách móc cũng có nghĩa khi đó khi huyết lưu thông tốt nhưng gặp phải sự cản trở, năng lượng tiêu cực khiến máu bị cầm lại gây ảnh hưởng cơ thể rất nhiều.
Vào sáng sớm, thời điểm bắt đầu ngày mới với những niểm vui đang đón chờ, không đứa trẻ nào muốn bị ba mẹ la mắng cả, chúng sẽ không có năng lượng cho một ngày dài và tâm lý sẽ ảnh hưởng nhiều vì nghĩ tới lời mắng mỏ của ba mẹ mà không tập trung vào những thứ khác.
Như vậy, dạy dỗ con trẻ là cả một nghệ thuật mà phụ huynh cần lưu tâm đặc biệt là với những đứa trẻ nhạy cảm bởi tâm hồn chúng rất trong sáng và đơn thuần, tâm lý sẽ rất dễ ảnh hưởng tiêu cực với lời trách móc. Nếu ba mẹ muốn con mình làm tốt việc gì đó thì chính ba mẹ cũng đừng quên dành cho con những lời khen ngợi khi chúng làm được nhằm tạo động lực để chúng cố gắng dù là những điều nhỏ nhất.
Nếu muốn la mắng con trẻ về lỗi lầm chúng đã gây ra phụ huynh có thể thông báo trước để chúng chuẩn bị tâm lí, ba mẹ nên góp ý trực tiếp bằng sự thẳng thắn nhưng đủ nhẹ nhàng để chúng "sợ nhưng không hãi" và nhận ra vấn đề rồi sửa sai, chúng sẽ cảm thấy được tôn trọng.
Con trẻ sẽ thực sự rất vui mừng vì lời động viên của ba mẹ vì ba mẹ là những người ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của chúng, ngay cả cách ba mẹ đối xử với nhau cũng là yếu tố tác động dễ dàng vào tâm lý của chúng. Khi nghe ba mẹ nói lời yêu thương vời nhau nhiều chúng cũng tự cảm nhận được sự ấm cúng trong không khí gia đình, còn khi ba hoặc mẹ hoặc cả 2 người cùng cáu bẳn chúng cũng không còn hồn nhiên vui vẻ nữa.
Hãy để cho con trẻ lớn lên với tình yêu thương!