Sinh viên gặp khó với thủ tục đăng ký tạm trú
Chia sẻ trên báo Lao động, N.V.Th. (sinh viên năm 4 trường Đại học Công nghệ thông tin - Đại học Thái Nguyên) cho biết, em đang thuê trọ trên địa bàn phường Tân Thịnh, TP Thái Nguyên. Từ đầu năm đến nay, em và các bạn sinh viên ở khu trọ chưa thể đăng ký tạm trú.
"Trước đây, khi làm tạm trú chúng em chỉ cần điền mẫu thông tin chủ trọ đưa, nay khi đi ra địa phương làm tạm trú họ yêu cầu phải có cả sổ đỏ của chủ nhà trọ. Tuy nhiên, chủ trọ nơi em thuê mãi vừa rồi mới gửi photocopy sổ đỏ nên đến nay vẫn chưa đăng ký tạm trú được", em Th. nói.
Tương tự, em D.M.N. (sinh viên trường Đại học Y dược - Đại học Thái Nguyên) bức xúc trước yêu cầu phải nộp sổ đỏ của chủ nhà trọ khi làm tạm trú.
"Sinh viên trường em chủ yếu trọ ở khu vực phường Quang Trung (TP Thái Nguyên), sinh viên chúng em ai cũng bị yêu cầu phải nộp photocopy sổ đỏ công chứng của chủ trọ cho thuê khi ra phường làm tạm trú. Các bạn sinh viên dù thấy rất phiền hà nhưng phải làm vì nếu làm chậm sẽ bị trừ điểm rèn luyện", N. chia sẻ.
Không chỉ sinh viên, ông L. - chủ nhà trọ trên địa bàn phường Quang Trung cũng cho hay, việc yêu cầu sinh viên khi đi làm tạm trú phải cung cấp sổ đỏ và GPXD của chủ trọ khiến công dân gặp khó.
"Nhiều chủ trọ thế chấp sổ đỏ trong ngân hàng để vay vốn làm ăn, khi địa phương yêu cầu bản photocopy công chứng làm tạm trú, họ bắt buộc phải lên ngân hàng xin sao lưu và có khi không được phía ngân hàng chấp nhận hoặc nếu có thì cũng mất nhiều thời gian, công sức", ông L. cho biết.
Liên quan đến những phản ánh trên, bà Lê Thị Hồng Liên - Chủ tịch UBND phường Quang Trung cho biết, việc yêu cầu công dân khi làm thủ tục đăng ký tạm trú có nộp sổ đỏ, GPXD của chủ nhà trọ để địa phương quản lý công dân trên địa bàn. Điều này giúp phòng tránh tình trạng công dân khi đi làm tạm trú khai báo thông tin không trung thực về nơi ở.
Đăng ký tạm trú có cần xuất trình sổ đỏ không?
Pháp luật quy định, đăng ký tạm trú là việc công dân đăng ký nơi tạm trú của mình với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền và được cơ quan này làm thủ tục đăng ký tạm trú.
Trong vòng 30 ngày, kể từ ngày đến sinh sống, làm việc, lao động, học tập tại một địa bàn xã, phường, thị trấn nào đó thì công dân phải làm thủ tục đăng ký tạm trú tại Công an xã, phường, thị trấn đó.
Theo điểm a, khoản 1, Điều 8 Nghị định 167/2013/NĐ-CP, công dân không đăng ký tạm trú có thể bị xử phạt từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng.
Tại Điều 28. Hồ sơ, thủ tục đăng ký tạm trú, gia hạn tạm trú của Luật cư trú 2020 quy định cụ thể:
"1. Hồ sơ đăng ký tạm trú bao gồm:
a) Tờ khai thay đổi thông tin cư trú; đối với người đăng ký tạm trú là người chưa thành niên thì trong tờ khai phải ghi rõ ý kiến đồng ý của cha, mẹ hoặc người giám hộ, trừ trường hợp đã có ý kiến đồng ý bằng văn bản;
b) Giấy tờ, tài liệu chứng minh chỗ ở hợp pháp.
2. Người đăng ký tạm trú nộp hồ sơ đăng ký tạm trú đến cơ quan đăng ký cư trú nơi mình dự kiến tạm trú.
Khi tiếp nhận hồ sơ đăng ký tạm trú, cơ quan đăng ký cư trú kiểm tra và cấp phiếu tiếp nhận hồ sơ cho người đăng ký; trường hợp hồ sơ chưa đầy đủ thì hướng dẫn người đăng ký bổ sung hồ sơ.
Trong thời hạn 3 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ đầy đủ và hợp lệ, cơ quan đăng ký cư trú có trách nhiệm thẩm định, cập nhật thông tin về nơi tạm trú mới, thời hạn tạm trú của người đăng ký vào Cơ sở dữ liệu về cư trú và thông báo cho người đăng ký về việc đã cập nhật thông tin đăng ký tạm trú; trường hợp từ chối đăng ký thì phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.
3. Trong thời hạn 15 ngày trước ngày kết thúc thời hạn tạm trú đã đăng ký, công dân phải làm thủ tục gia hạn tạm trú.
Hồ sơ, thủ tục gia hạn tạm trú thực hiện theo quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này. Sau khi thẩm định hồ sơ, cơ quan đăng ký cư trú có trách nhiệm cập nhật thông tin về thời hạn tạm trú mới của người đăng ký vào Cơ sở dữ liệu về cư trú và thông báo cho người đăng ký về việc đã cập nhật thông tin đăng ký tạm trú; trường hợp từ chối đăng ký thì phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do".
Bên cạnh đó, căn cứ Điều 5 Nghị định số 62/2021/NĐ-CP các giấy tờ chứng minh chỗ ở hợp pháp khi đăng ký tạm trú có thể là:
- Hợp đồng cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ của cơ quan, tổ chức, cá nhân phù hợp với quy định của pháp luật về đất đai và nhà ở.
- Giấy tờ của cơ quan, tổ chức về việc được cấp, sử dụng nhà ở, chuyển nhượng nhà ở… đối với nhà ở, đất thuộc thẩm quyền quản lý của cơ quan, tổ chức.
- Hợp đồng mua, thuê mua, nhận tặng cho, nhận thừa kế, nhận góp vốn, nhận đổi nhà ở phù hợp với quy định của pháp luật về đất đai và nhà ở.
Như vậy thông qua quy định trên thì khi thực hiện đăng kí tạm trú phải có các loại giấy tờ cụ thể theo quy định như trên để thực hiện đăng kí tạm trú. Theo đó, sổ đỏ không phải văn bản, tài liệu bắt buộc phải có khi thực hiện thủ tục đăng ký tạm trú.