Mồ côi cha mẹ, bị xa lánh khi mới 3 tuổi
Trong căn nhà cấp 4 đơn sơ, cô gái Ngô Kiều Anh (14 tuổi, ngụ xóm 5, xã Diễn Kỷ, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An) sống cùng bà nội nay đã gần 90 tuổi. Khi sinh ra, số phận em đã đặc biệt hơn những bạn bè cùng trang lứa trong làng.
Năm Kiều Anh 3 tuổi, cha qua đời vì căn bệnh HIV. 7 tháng sau, mẹ em cũng qua đời vì bị lây nhiễm căn bệnh thế kỷ từ chồng.
Số phận nghiệt ngã biến em thành trẻ mồ côi. Từ đó em lớn lên trong tình thương yêu của bà nội. Thế nhưng, nỗi đau nhân lên gấp bội khi người trong làng luôn dè bỉu, xa lánh vì căn bệnh thế kỷ của cha mẹ em. Họ không cho con mình chơi với cô bé.
Tuổi thơ em không bạn bè, “góc sân và khoảng trời” của em chỉ có bà và những món đồ chơi cũ kỹ bà xin được từ nhà hàng xóm.
"Ngày ấy, em còn quá nhỏ để hiểu được nỗi đau khi mất đi cha mẹ, cũng chẳng hề biết căn bệnh HIV là như thế nào, bệnh thế kỷ là sao. Em chỉ thấy tủi thân khi bị bạn bè, mọi người xa lánh, coi thường, thậm chí có người gặp em còn hoảng sợ như gặp ma, nhất định không cho con chơi cùng em, vì sợ lây bệnh. Giữa em và mọi người dường như có một bức tường vô hình nào đó ngăn cách. Mãi đến sau này, khi hiểu được căn bệnh thế kỷ, em mới hiểu, và càng đau hơn", Kiều Anh tâm sự trong nước mắt.
Nhiều lần Kiều Anh hỏi bà tại sao cha mẹ lại bỏ em đi quá sớm, tại sao mọi người xa lánh em. Đáp lại chỉ là tiếng thở dài cùng những giọt nước mắt rơi trên gương mặt người bà một đời vất vả. Hai bà cháu lại ôm nhau khóc và tiếp tục sống côi cút bên nhau.
Năm Kiều Anh vào lớp 1, để phá bỏ sự kỳ thị của mọi người xung quanh, nhà trường và gia đình đã đưa em đi xét nghiệm tận 2 lần. Kết quả âm tính HIV phần nào làm mọi người thay đổi, có cái nhìn thiện cảm với Kiều Anh hơn và xót thương cho hoàn cảnh cô bé mồ côi.
Thư gửi mẹ trên thiên đường
Trong sâu thẳm tâm hồn của cô bé mồ côi, Kiều Anh luôn khát khao tình yêu thương từ cha mẹ. Nhưng số phận bất hạnh chỉ cho em 3 năm ngắn ngủi được ở cạnh những người thân yêu. Với em, người đời có đàm tiếu thế nào về cha mẹ em cũng không quan trọng. Đó vẫn là những người sinh ra em, người em yêu nhất đời.
Những ngày tháng sống trong mặc cảm, xa lánh, Kiều Anh trút hết tâm sự vào những trang nhật ký. Ngày 8/3 em đã viết lá thư đẫm nước mắt gửi mẹ trên thiên đường:
"Mẹ yêu quý! Bạn bè con ở lớp ai cũng dự định sẽ mua hoa để tặng mẹ. Các bạn còn nói cho nhau nghe về cách tạo bất ngờ cho mẹ mình vào hôm ấy nữa. Xem ra ai cũng rất hồi hộp và háo hức mẹ ạ. Chắc chắn khi các bạn mang hoa về tặng mẹ sẽ được mẹ đáp lại bằng những cái ôm thật ấm áp.
Còn con, con sẽ tặng mẹ ở một nơi khác – nơi thật xa – nơi mà có lẽ mẹ nhìn thấy con nhưng con lại chẳng thấy mẹ ở đâu cả. Và món quà con nhận lại không phải là cái ôm của mẹ mà là chính sự nhẹ nhõm trong lòng con. Tuy được vơi đi phần nào nỗi buồn nhưng lòng con vẫn thấy trống trải. Không hiểu sao hôm nay con lại nhớ mẹ nhiều đến thế! Con thèm khát một vòng tay âu yếm, thèm khát một lời động viên an ủi và hơi ấm của tình mẫu tử.
Mẹ ơi! Mẹ có còn nhớ ngày 8 tháng 3 của mười năm trước không? Hồi ấy sao mà vui quá! Khi ấy con còn nhỏ nên mẹ đã làm một bữa ăn thật ngon để dành tặng con và cũng là để tự tặng mẹ. Hai mẹ con mình cùng hát, cùng vỗ tay, lời bài hát Mồng 8 tháng 3 cứ ngân nga mãi trong lòng con, có lẽ đến suốt đời.
Con đâu ngờ rằng đó là năm đầu tiên và cũng là năm cuối cùng con được đón ngày mồng 8 tháng 3 cùng mẹ, khi mà con gần 4 tuổi thì mẹ đã bỏ con mà đi, đi thật xa. Với con, mất mẹ là nỗi đau lớn nhất, là sự mất mát không gì có thể bù đắp được vì trước đó không lâu con đã mất đi người cha yêu dấu do căn bệnh thế kỷ.
Mẹ có biết không. Sau khi mẹ mất con đã rất đau khổ, con cảm thấy bơ vơ, hụt hẫng vì không có bàn tay chăm sóc, yêu thương của mẹ nữa. Con chỉ biết dựa vào bà nội hơn 80 tuổi như chiếc lá vàng trên cây. Con cứ tưởng tượng đến một ngày nào đó bà cũng sẽ bỏ con mà đi thì cuộc sống của con sẽ ra sao đây? Nghĩ đến mà con hoảng hốt.
Thời gian trôi đi, nỗi đau cũng vơi dần. Con cũng tập làm quen với thực tại. Ban đầu con cũng rất nhút nhát nhưng giờ con đã mạnh mẽ rồi mẹ ạ. Con không còn yếu đuối, nhút nhát, mặc cảm như trước kia nữa.
Con đã làm theo lời mẹ dặn trước lúc lâm chung rồi đấy. Con còn có ước mơ sau này sẽ trở thành bác sĩ để chữa bệnh cứu người nữa. Con mong sẽ không ai bị bệnh, không ai mất mẹ để bao trẻ em khác sẽ không phải chịu nhiều khổ đau như con".
“Sống như những đóa hoa”
Kiều Anh có dáng người nhỏ nhắn, gương mặt thanh tú, nước da trắng, mái tóc đen dài búi cao, nụ cười tươi duyên để lộ chiếc răng khểnh. Tuy vậy, đôi mắt em vẫn chất chứa nhiều nỗi buồn. Tuổi 14 không vô tư như các bạn, những nỗi đau em nếm trải dường như còn nhiều hơn số tuổi đời.
Gác lại nỗi đau, cuộc sống vẫn cứ tiếp diễn trong căn nhà đơn sơ của hai bà cháu. Kể về cô cháu gái xinh xắn, bà Nguyễn Thị Sửu – bà nội Kiều Anh tự hào khoe thành tích học tập 9 năm liền là học sinh giỏi của em. Ở lớp, các thầy cô luôn khen Kiều Anh chăm ngoan, năng động, nghị lực và học giỏi đều các môn.
Hàng ngày, sau giờ học, Kiều Anh thường phụ bà việc cơm nước, giặt giũ, cho gà vịt ăn. Hai bà cháu nuôi nhau bằng những bữa cơm đạm bạc. Gần 90 tuổi, sức khỏe bà Sửu yếu dần, bà không thể làm việc đồng áng. Hai bà cháu sống nhờ vào số tiền trợ cấp hàng tháng của nhà nước cho trẻ mồ côi và sự đùm bọc, cưu mang của bà con lối xóm.
Hoàn cảnh bi đát, khó khăn nhưng Kiều Anh vẫn vượt lên số phận. Em vẫn nghị lực sống và học thật tốt, làm chỗ dựa cho bà, lạc quan hướng đến tương lai.
Cô gái nhỏ vững lòng tâm sự với PV Trí Thức Trẻ: “Mỗi lần có chuyện buồn hoặc khó khăn là em lại nghĩ đến lời bà nói, số phận em không giống như các bạn nên phải cố gắng gấp đôi, gấp 3 lần để vượt qua, phải mạnh mẽ, tự tin và suy nghĩ chín chắn mới có thể sống tốt trên đời. Có như vậy mới làm bà vui, cha mẹ dưới suối vàng sẽ yên lòng nhắm mắt. Nhớ những lời bà dặn em lại càng có thêm nghị lực để phấn đấu".
Nghĩ về mình và bạn bè cùng trang lứa, em thấy mừng cho các bạn vẫn có mẹ cha bên cạnh. Đó là hạnh phúc quý giá mỗi người cần trân trọng, nâng niu.
“Còn cha mẹ em dù đã ở bên kia thế giới nhưng em biết cha mẹ vẫn đang từng ngày dõi theo em. Em hứa sẽ sống thật tốt để cha mẹ được yên lòng", vừa ôm bà nội bên mái hiên, em vừa tâm sự.