Những ngày giữa tháng 8, câu chuyện thương tâm của gia đình anh Dương Văn Chế (40 tuổi) và chị Nguyễn Thị Cúc (38 tuổi) khiến người dân thôn Vĩnh An, xã Hồng Sơn, huyện Mỹ Đức (Hà Nội) không khỏi xót xa. Chỉ trong một buổi chiều, anh đã mất đi vợ và con trai 4 tuổi.
Đớn đau hơn, bé Dương Thị Hồng Mai (7 tuổi) đã đã tận mắt chứng khoảnh khắc mẹ và em trai lịm dần dưới ao nhà.
Khóc liên miên vì nhớ mẹ
Bé Mai là con gái thứ hai của vợ chồng anh Chế, chị Cúc. Sau Mai còn có các em: Dương Thị Mai Anh (6 tuổi), Dương Tuấn Lộc (5 tuổi) và Dương Trường Xuân (2 tuổi). Mai còn có người chị cùng cha khác mẹ Dương Thị Mai Linh (14 tuổi) mắc bệnh tự kỷ.
Ngày tiễn đưa mẹ và em trai, Mai cùng chị gái và các em khoác lên mình chiếc áo xô trắng, đầu chít khăn tang. Trong sâu thẳm, các em vẫn chưa thể hiểu hết được nỗi đau của sự mất mát, chia ly.
Mỗi lần có người nhắc đến mẹ, Mai đều ngây ngô trả lời: “Mẹ đang đi cho lợn ăn”. Trong ký ức của em, lần cuối cùng em nhìn thấy mẹ là khi mẹ đang cho lợn ăn sau nhà. Thấy em Lộc ngã xuống ao, mẹ mới nhảy xuống cứu. Chứng kiến cảnh tượng đau thương ấy, Mai ra sức gào khóc kêu cứu nhưng mẹ và em đã mãi ra đi.
Ba tháng trôi qua, đến thời điểm hiện tại, nỗi nhớ mẹ vẫn chưa nguôi ngoai. Khi đi học trên lớp, nhớ mẹ nhớ em, Mai lại bật khóc nức nở.
Hàng đêm trong giấc ngủ, Mai vẫn mơ thấy mẹ về rồi giật mình khóc nấc. Từ ngày mẹ và em đi, chưa một ngày nào cô bé 7 tuổi ngủ yên giấc. Những ký ức về mẹ cùng em trai cứ xô nhau ùa về.
“Con rất nhớ mẹ và em Lộc. Trước đây mẹ thường hay mua sách bút, bện tóc rồi ôm con vào lòng khi ngủ, còn em thường hay chơi, đùa nghịch cùng con. Con ước rằng em có thể ở đây để chơi với con, còn mẹ thì nấu cơm cho con ăn, giặt quần áo cho con. Con sẽ rửa bát, quét nhà để cho mẹ vui”, vừa nói Mai vừa lấy tay chùi nước mắt.
Cuộc sống thiếu hơi ấm tình mẫu tử
Từ ngày mẹ và em trai ra đi, ngôi nhà nhỏ của Mai bao trùm không khí thê lương, ảm đạm. Nỗi đau vẫn còn hiển hiện trên khuôn mặt của từng thành viên.
Bốn đứa trẻ mồ côi nhớ mẹ, lúc nào cũng nghĩ mẹ chỉ đi làm xa. Chốc chốc, các em lại ngây thơ hỏi ông bà: “Khi nào mẹ mới về với con?”. Câu hỏi hồn nhiên của những đứa cháu khiến ông bà không khỏi xót xa, rưng rưng nước mắt vì không biết sẽ trả lời các cháu ra sao.
Khát khao tình mẹ, những đứa con thơ vẫn mong được mẹ tết tóc, nghe mẹ ru, được mẹ xoa xoa lưng khi nằm ngủ… Bé út Trường Xuân chưa cai sữa mẹ vẫn thèm bú mớm.
Thương cháu sớm mồ côi, bé út được cô mang về nhà chăm, vừa để cai sữa, vừa tạm quên đi nỗi nhớ mẹ. Nhiều đêm thiếu vòng tay mẹ, thiếu bầu sữa ấm nóng, bé khóc lả đi. Tưởng cô là mẹ, bé lại rúc vào ngực đòi bú. Bố không ở nhà, tưởng chú là bố, bé lại ngồi chơi rất ngoan.
“Còn nhỏ không biết gì nhưng khi hỏi mẹ đâu, cháu nói ‘ao’ khiến ai cũng chua xót, từ đó chúng tôi không nhắc đến mẹ nữa để cho cháu nguôi ngoai” – ông Phiến, ông nội Mai nghẹn ngào chia sẻ với PV Khám Phá.
Ông cũng cho biết: “Từ khi mẹ cháu mất, ông bà thay mẹ chăm sóc các cháu. Đi học hay tắm giặt cho các cháu, ông bà phải lo hết. Kinh tế gia đình bây giờ chỉ trông chờ vào bố cháu nên ở nhà có rau ăn rau, có cháo ăn cháo”.
Ký ức tuổi thơ ngắn ngủi nhưng êm đềm có mẹ và em trai luôn là hành trang mà cô bé 7 tuổi mang theo bên cạnh. Đi đâu, làm gì Mai cũng nhớ khôn nguôi. Tết trung thu được phát quà bánh, Mai gói lại cẩn thận, mang về nhà nhờ ông bà đặt lên bàn thờ. Mỗi khi có khách đến chơi cho quà bánh, em lại ngoan ngoãn vòng tay xin rồi lại mời mẹ và em. Trước khi đi học, khi ăn cơm, Mai đều dõng dạc: “Con chào mẹ, chị chào em chị đi học”. “Con mời mẹ, chị mời em ăn cơm”…
Dù vẫn cảm nhận được hơi ấm gia đình bên ông bà, bố và các chị em nhưng giờ đây Mai chỉ có thể gặp lại mẹ và em trai trong những giấc mơ đêm về.