Ngày 1/7, thông tin "một diễn viên và một nhạc sĩ nổi tiếng của Việt Nam, 37 và 42 tuổi” bị cô gái 17 tuổi người Anh tố cưỡng hiếp trên đảo Mallorca (Tây Ban Nha) được loạt báo quốc tế đăng tải.
Tối cùng ngày, Bộ Ngoại giao cho biết hai công dân Việt Nam bị nhà chức trách Tây Ban Nha bắt với cáo buộc “xâm hại tình dục đối với trẻ vị thành niên 17 tuổi” và “xâm phạm quyền riêng tư”. Sau đó hai công dân được tại ngoại và trong quá trình chờ cơ quan chức năng Tây Ban Nha xử lý. Danh tính hai nghệ sĩ chưa được công bố.
Những ngày qua, dư luận đưa ra những luồng ý kiến trái chiều quanh vấn đề của hai nghệ sĩ Việt. Đáng nói là một số người hoạt động trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật cũng bày tỏ quan điểm cá nhân thông qua mạng xã hội và gây tranh cãi dữ dội.
Sáng 5/7, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tạ Quang Đông cho biết sự việc liên quan đến nghệ sĩ Hồng Đăng, nhạc sĩ Hồ Hoài Anh vẫn đang là "nghi vấn".
Theo ông, vụ việc chưa có thêm thông tin mới nhưng 2 người này vẫn tại ngoại, chưa có truy tố.
"Đến sáng 4/7, hai người vẫn tại ngoại, chờ gặp thẩm phán và đã có luật sư để xử lý các vấn đề pháp lý. Đại sứ quán đã cử người xuống tận nơi để giúp đỡ pháp lý", ông Đông thông tin.
Phát ngôn thiếu trách nhiệm
Nhân vật đang hứng chịu chỉ trích là NSƯT Kiều Thanh (Nhà hát Kịch Hà Nội). Trên trang cá nhân có dấu tích xanh, diễn viên này chia sẻ quan điểm về "văn hóa đàn ông" - theo cách diễn đạt của cô.
"Đàn ông đi nước ngoài ông nào chẳng thử... Không chủ động thì cũng bị tác động bởi bạn bè hoặc fan mời, tặng. Ở nước ngoài, các bạn phát triển dậy thì sớm từ 12, 13 tuổi. Vào đúng hai anh đẹp trai lại nổi tiếng nên thành to chuyện. Có khi là người bình thường thì bạn nữ kia 'ok' ngay", nghệ sĩ Kiều Thanh viết.
Hiện tại, Kiều Thanh đã xóa bài đăng nhưng chị vẫn bị lên án gay gắt. Khán giả cho rằng phát ngôn của cựu diễn viên Phía trước là bầu trời rất phản cảm, thể hiện sự thiếu hiểu biết và không tôn trọng công chúng.
"Theo tôi thì cách bảo vệ đồng nghiệp tốt nhất vẫn là im lặng và theo dõi diễn biến. Chứ chị nói vậy thì khán giả họ còn coi nghệ sĩ ra cái gì nữa. Đó là một sự thiếu tôn trọng nặng nề với khán giả và những người yêu mến, ngưỡng mộ từng cá nhân nói riêng và showbiz nói chung", thành viên Phạm Xuân Hùng bình luận.
Một số người khác chia sẻ: "Ai cũng suy nghĩ như chị thì đồng nghĩa với việc đàn ông làm thế là đúng à. Nghệ sĩ mà suy nghĩ lệch lạc", "Nghệ sĩ mà cũng phát ngôn được câu đó", "Bênh vực cũng được nhưng đừng phân tích những thứ mình không hiểu biết"....
Nhiều người cho rằng Kiều Thanh đang cổ xúy cho lối sống sai lệch, trong khi mang danh hiệu "nghệ sĩ ưu tú". Cách cô im lặng, âm thầm xóa bài viết càng không thể xoa dịu dư luận lúc này.
Ngoài ra, một nữ diễn viên khác cũng gây khó hiểu khi liên tiếp chia sẻ vấn đề này trên trang cá nhân. Ngày 2/7, diễn viên Kim Oanh mở đầu bài viết bằng câu: "Hổ báo sa cơ không nhờ chó mèo phân xử".
Ở phía dưới, chị trích dẫn một số đường link với nội dung khách du lịch bị tố tấn công tình dục tại Tây Ban Nha, rồi đi đến kết luận đảo Mallorca là "thiên đường cạm bẫy".
"Nói chung đi chơi mà bị 'mời lên phường' thì đen rồi. Chết vì thiếu hiểu biết, chứ ngu gì mà hấp với chả diêm", diễn viên này viết thêm.
Sau khi quan điểm này bị phản ứng mạnh, ngày 3/7, Kim Oanh tiếp tục đăng dòng trạng thái mới: "Tất cả chúng ta đều là những con người không hoàn hảo sống trong một thế giới không hoàn hảo. Vậy nên tôi bênh các bạn tôi đấy, tôi bênh đồng nghiệp của tôi đấy. Thì sao? Các bạn tôi làm đúng tôi cũng bênh, làm sai tôi cũng bênh, bênh ngu tôi cũng bênh đấy".
Phát ngôn lần thứ hai của Kim Oanh giống giọt nước tràn ly, khiến tranh cãi càng bùng lên. Nhiều người chất vấn phải chăng nghệ sĩ này đang thách thức dư luận khi thừa nhận "làm sai tôi cũng bênh". Ngay bên dưới bài đăng của Kim Oanh, có ý kiến cho rằng nghệ sĩ tồn tại với nghề là nhờ khán giả. Nghệ sĩ làm đúng, khán giả ủng hộ. Nếu nghệ sĩ làm sai, đương nhiên họ phải chấp nhận bị quay lưng, thậm chí tẩy chay.
Mang danh nghệ sĩ, mỗi chia sẻ phải đi kèm trách nhiệm
Liên quan đến sự việc nghệ sĩ phát ngôn đang gây tranh cãi trên mạng xã hội, PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, chia sẻ với Zing về vấn đề này.
Theo PGS.TS Bùi Hoài Sơn, trong Bộ quy tắc ứng xử (dành cho hoạt động nghệ thuật biểu diễn) do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành vào cuối năm 2021, một số nội dung nêu rất rõ nghệ sĩ nên và không nên làm gì trên không gian mạng.
Cụ thể, mục 1 và 2 của Điều 8 ghi rõ cá nhân sử dụng tài khoản mạng xã hội để tương tác, chia sẻ, đăng tải, cung cấp thông tin chính xác, tin cậy, có lợi ích cho xã hội và đất nước, bình luận, nhận xét đúng mực, có văn hóa, có trách nhiệm về những vấn đề mà dư luận xã hội quan tâm, trung thực trong phát ngôn, bày tỏ và chia sẻ quan điểm đúng đắn, khách quan.
Ngoài ra, cá nhân không sử dụng từ ngữ gây mâu thuẫn, xung đột, phân biệt vùng, miền, giới tính, tín ngưỡng, tôn giáo; không sử dụng ngôn ngữ, hình ảnh phản cảm, trái thuần phong mỹ tục.
Chiếu theo bộ quy tắc, ông Sơn cho rằng phát ngôn của Kiều Thanh và một số nghệ sĩ khác trong trường hợp này rõ ràng không phù hợp. Nhất là khi sự việc hai nghệ sĩ Việt bị cáo buộc tại Tây Ban Nha còn chưa được làm sáng tỏ.
"Người của công chúng cần phải cẩn trọng, tỉnh táo khi sử dụng mạng xã hội. Có thể đó là quan điểm cá nhân của bạn nhưng đã mang danh nghệ sĩ, mỗi chia sẻ phải đi kèm với trách nhiệm, sự tôn trọng dành cho công chúng. Tôn trọng công chúng cũng là tôn trọng chính mình, tôn trọng hình ảnh bản thân. Đừng để phát ngôn trở nên phản cảm, sai lệch chỉ vì suy nghĩ chủ quan", ông chia sẻ.
PGS.TS Bùi Hoài Sơn nhấn mạnh: "Đối với vụ việc hai nghệ sĩ Việt tại Tây Ban Nha gây ồn ào những ngày qua, có những người trong giới giải trí lên tiếng bảo vệ với lý do 'bạn bè, đồng nghiệp'. Đó là về góc độ tình cảm. Còn để nhìn nhận khách quan, khi sự đúng - sai chưa được phân định, nghệ sĩ nên thận trọng khi phát ngôn, chia sẻ. Trong bối cảnh thông tin trên mạng xã hội đa chiều, thiếu định hướng, việc nghệ sĩ ủng hộ việc làm sai lầm dễ khiến công chúng càng trở nên nhiễu tâm, không tập trung cho những thông tin đúng đắn, không giúp định hướng phát triển nhân cách, lối sống cho công chúng".
Ông Sơn bày tỏ thêm rằng tại Việt Nam, nhiều người hoạt động lĩnh vực nghệ thuật nhận thức chưa đầy đủ về trách nhiệm đạo đức của mình đối với công chúng, về việc xây dựng hình ảnh, thương hiệu, uy tín cá nhân. Theo ông, việc giữ gìn hình ảnh chuẩn mực của người nghệ sĩ rất quan trọng bởi nó góp phần định hướng đạo đức trong xã hội, tác động đến số đông.
"Sau nhiều vụ việc người nổi tiếng phát ngôn không phù hợp trên mạng, tôi nghĩ mỗi cá nhân nghệ sĩ nên tự rút ra bài học cho mình. Người nổi tiếng nói gì, làm gì, chia sẻ gì cũng nên dựa trên chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp, hướng đến điều tốt đẹp của cuộc sống, truyền thông điệp tích cực cho cuộc sống", PGS.TS Bùi Hoài Sơn nêu quan điểm.
Ông Bùi Hoài Sơn đồng thời nhấn mạnh bộ quy tắc ứng xử, dù không có chế tài đi kèm, song đây là cơ sở quan trọng để đánh giá nghệ sĩ.
Nếu không làm được gì tốt, nên im lặng
Theo chuyên gia truyền thông Lương Trọng Nghĩa, vụ việc hai nghệ sĩ tại Tây Ban Nha chưa có kết luận cuối cùng. Do đó, người của công chúng nói gì vào thời điểm này cũng không phù hợp.
"Hiện nay chưa có kết luận của cơ quan điều tra và danh tính của hai nghệ sĩ Việt bị dính vào nghi án cũng chưa được phía nước bạn cung cấp, nên bênh vực hay phê phán họ thì đều dở cả, vừa gây bất lợi cho họ lại gây phiền phức cho mình. Nghệ sĩ, người của công chúng phải là người đi đầu trong việc tuân thủ pháp luật, bài trừ cái xấu, sống chuẩn đạo lý nên cái gì không đúng không nên ủng hộ", vị này nói.
Thực tế đã có nhiều trường hợp người nổi tiếng "nói hớ" trên mạng xã hội và thậm chí phải xin lỗi, gần nhất có thể kể đến sự vụ nghệ sĩ Đức Hải. Câu hỏi đặt ra là nghệ sĩ Việt thiếu cẩn trọng, hiểu biết chưa đầy đủ, ngông cuồng hay không tôn trọng công chúng.
Lý giải điều này, chuyên gia Lương Trọng Nghĩa bày tỏ: "Không phải họ thiếu hiểu biết mà họ đang không ý thức được mình là người nổi tiếng, được hâm mộ. Và trách nhiệm của người nổi tiếng với cộng đồng, với xã hội thế nào họ cũng chưa ý thức được. Họ nghĩ nghệ sĩ cũng là người bình thường nên được yêu ghét, thích thì nói. Chính suy nghĩ này đã 'giết chết' nhiều tên tuổi trong lĩnh vực nghệ thuật giải trí".
"Nếu một cá nhân không làm được gì tốt cho xã hội, cho cộng đồng thì tôi nghĩ tốt nhất nên im lặng để cơ quan chức năng quyết định sự việc", ông Lương Trọng Nghĩa nói.