Không có gì ăn, nằm co ro trước rạp hát
Nghệ sĩ Châu Thanh tên thật là Trần Tuấn Kiệt, sinh năm 1958 tại Tây Ninh, trong một gia đình bình dân nhưng có truyền thống nghệ thuật. Tuổi thơ của Châu Thanh khá vất vả, được đi học vài năm rồi lại phải về quê làm ruộng, đi cấy để phụ giúp gia đình.
Tuy vậy, Châu Thanh lại sớm được thừa hưởng năng khiếu nghệ thuật từ người cha là một nghệ nhân đờn ca tài tử. Ngày Châu Thanh còn bé, cha anh thường tụ tập bạn bè để ca hát ở nhà, nên anh sớm được nuôi dưỡng đam mê ca hát.
Ở nhà, Châu Thanh cũng nghe nghệ sĩ Giang Châu hát và rất ái mộ ông. Anh thường bật băng đĩa lên nghe rồi chép lại thành cuốn sổ dài để hát theo. Biết con trai mình mê ca hát, cha Châu Thanh cũng xin cho anh đi hát trong làng.
Năm 1979, đoàn cải lương Sài Gòn 2 về Tây Ninh biểu diễn. Trong đoàn có cậu anh là nhạc sĩ Đoàn Huy. Vị nhạc sĩ này ghé thăm nhà Châu Thanh, nghe anh ca xong rồi hỏi có thích đi hát không.
Châu Thanh bảo có, thế là được cậu mình dẫn vào gặp NSND Diệp Lang. Sau khi thử giọng, NSND Diệp Lang đồng ý nhận anh vào đoàn và cho làm học trò. Ngay hôm sau, anh một mình khăn gói lên Sài Gòn để gia nhập đoàn cải lương.
Tối hôm lên Sài Gòn, Châu Thanh không có gì ăn, nằm co ro trước rạp hát, bụng đói meo tới muốn ngất xỉu. Rất may, có một người bán bánh mì đi qua thấy thương quá nên cho Châu Thanh ổ bánh mì. Tới tận bây giờ, nam nghệ sĩ vẫn cảm ơn người bán bánh mì ấy và trân trọng.
Sau đó, Châu Thanh vào đoàn hát với ngày lương hai đồng rưỡi. Trong đoàn, anh được nghệ sĩ Diệp Lang dạy dỗ. Thầy Diệp Lang bắt anh phải ngồi coi người ta diễn, từ vai quân sĩ tới kép chánh.
Vì đang rất đam mê cải lương nên Châu Thanh thuộc hết tất cả các vai. Nhưng lâu quá không được hát, anh liền tới gặp NSND Diệp Lang để xin thôi hát về quê vì đói quá. NSND Diệp Lang thấy thế liền nhét cho học trò vài đồng rồi bảo ở lại, vài bữa nữa xếp vai cho hát.
Vài hôm sau đó, Châu Thanh được xếp hát chung với nghệ sĩ Ngọc Bích trong vở Khách sạn hào hoa. Vai diễn của anh phải đóng cảnh ghen tuông. Lúc lên sân khấu, Châu Thanh đang đói bụng, lại lần đầu vào kép chánh nên run lẩy bẩy chân tay.
Anh không ngờ rằng, cái run đó của mình lại hợp với tâm trạng ghen tuông của nhân vật, khiến khán giả thích thú. Từ thành công bước đầu đó, lương của Châu Thanh tăng từ 2 đồng rưỡi lên hẳn 10 đồng, bao nhiêu đoàn hát mời tới tấp.
Vợ chồng lên như diều gặp gió nhờ NSND Lệ Thủy đặt nghệ danh
Vợ Châu Thanh tên thật là Ngọc Huyền, cũng là một nghệ sĩ cải lương. Ngày đó, cả hai đã kết hôn và đi diễn bên Mỹ cùng NSND Lệ Thủy, NSND Diệp Lang. Lúc ấy, vợ Châu Thanh còn chưa nổi tiếng và đi hát rất ít, chủ yếu đi theo đoàn học hỏi kinh nghiệm.
Một buổi diễn bên Mỹ kéo dài tới 3, 4 tiếng, rất dài nên NSND Lệ Thủy ra bảo vợ Châu Thanh: "Huyền, em ra hát đi chứ, để chị với Châu Thanh, Diệp Lang hát thì sao nổi. Để chị đặt cho mày cái nghệ danh rồi ra sân khấu hát luôn".
Sở dĩ Lệ Thủy phải đặt nghệ danh cho vợ Châu Thanh vì khi ấy đang có nghệ sĩ cải lương Ngọc Huyền rất nổi tiếng. Vì biết đây là vợ Châu Thanh nên Lệ Thủy đặt luôn nghệ danh là Ngọc Huyền Châu.
Nhờ NSND Lệ Thủy đặt nghệ danh đó mà tên tuổi vợ chồng Châu Thanh lên như diều gặp đó. Nam nghệ sĩ tiết lộ, hai vợ chồng đi diễn khắp châu Âu cũng nhờ cái tên Ngọc Huyền Châu đó.
Từ năm 1987, sân khấu cải lương xuất hiện hiện tượng nghệ sĩ ca dài hơi gây chấn động khán giả. Đó là hai nghệ sĩ Châu Thanh và Phượng Hằng thuộc đoàn cải lương Trung Hiếu, với vở tuồng Vụ Án Mã Ngưu của soạn giả Đăng Minh.
Vở hát Vụ án Mã Ngưu một thời gây cơn sốt vé ở khắp các rạp. Cặp đôi Châu Thanh - Phượng Hằng làm mưa làm gió khắp sân khấu thời gian dài nhờ khả năng ca vọng cổ dài hơi, được mệnh danh là "Cặp đôi sóng thần".