Đây là câu chuyện có thật trên HTV7 trong chương trình "Làm vợ phải thế" kể về một người đàn ông trong lúc khó khăn phải bán máu của mình 3 lần 1 tháng để đủ tiền nuôi con. Mẹ không chỉ đơn thuần là nghĩa đen nữa, mà ở đây “ mẹ” là người đàn ông 2 trong 1 vừa đóng vai cha vừa tròn vai mẹ của 2 đứa con thơ dại. Đối với người mẹ này, tình cảm và trách nhiệm mẹ dành cho con không những là một mà đã được nhân đôi.
Trong chương trình Là vợ phải thế 2 với chủ đề gà trống nuôi con, câu chuyện của người bố trong hoàn cảnh khó khăn phải làm đủ mọi ngành nghề để nuôi 2 đứa con nhỏ vừa mới lọt lòng đã chạm tới trái tim biết bao khán giả, trong đó có tôi. Có thể nói không điều gì trên thế gian này có thể so sánh với tình mẫu tử thiêng liêng, anh đã 3 lần mạo hiểm bán máu trong 1 tháng để có chi phí lo cho con.
Tên anh là Trí Bình, người đàn ông 35 tuổi chia sẻ trong chương trình cùng sự có mặt của hai cô con gái đáng yêu. Hai nàng công chúa của anh rất tự hào khoe bộ áo dài đang mặc trên người được chính bàn tay ba may cho hai chị em. Anh cũng tâm sự rằng anh không đủ khả năng mua quần áo cho hai bé nên đã quyết định tự tay mò mẫm may áo dài cho các bé để con anh có quần áo mới xúng xính ngày Tết như bao đứa trẻ khác. Cứ tưởng tượng bàn tay chai sần vụng về của người đàn ông chăm chút từng đường kim mũi chỉ để hoàn thành bộ quần áo cho con thì làm sao không cảm động cho được! Có bao nhiêu phụ nữ còn không làm được điều này vì con như anh nữa. Tình cảm của người cha gửi gắm hết vào trong chiếc áo truyền thống ấy, các con hiểu được điều đó nên rất nâng niu, rất tự hào khi khoác lên mình.
Không những thế, tình cha lên đến cao trào lấy nước mắt khán giả xem chương trình khi anh Trí Bình kể về khó khăn trong giai đoạn đầu bắt đầu cuộc sống gà trống nuôi con. Anh sụp đổ hoàn toàn và không biết phải làm gì, anh bỏ ngang công việc đang làm, sống trong chới với bế tắc một thời gian dài. Sau đó, nhìn đứa con thơ thiếu thốn mà xót lòng, tình yêu dành cho hai đứa nhỏ đã giúp anh đứng lên làm lại cuộc đời. Có thể nói anh có thể làm mọi việc từ bốc vác đến thợ hồ, chỉ cần có sữa cho con uống, chỉ cần đủ lo lắng miếng cơm manh áo cho tụi nhỏ. Tình thương ấy lên đến đỉnh điểm là khi anh bán máu nuôi con trong tình trạng sức khỏe kiệt quệ, bác sĩ đã khuyên “một tháng bán một bệnh viện thôi, em thì cần tiền nên có tháng em bán tới ba bệnh viện”
Ngoài ra, anh cũng chia sẻ thêm vì một lần làm việc quá sức dẫn đến sỏi thận nên anh phải nhập viện. Khi hai cô con gái vào thăm ba thì ba bố con chỉ biết ôm nhau khóc. Đồng thời, hai cô con gái cũng đồng ý sau này bên cạnh ba có một người phụ nữ chăm sóc cho ba khiến ba Bình rất hạnh phúc. Tôi nhớ rất rõ khoảnh khắc lúc được ban cố vấn hỏi từng cháu bé sau này ba muốn lấy vợ để chăm sóc thì các con có chịu không? Cháu nhỏ đồng ý ngay và anh chợt vui trong lòng, tôi thấy rõ sự rạng rỡ trên gương mặt anh. Nhưng đến khi hỏi cháu lớn, bé không đồng ý. Tôi biết đứa bé không muốn san sẻ tình cảm của cha cho người phụ nữ khác, điều đó có thể thấu hiểu được. Nụ cười chợt tắt trên môi anh nhưng anh vẫn nhìn con bé với ánh mắt trìu mến. Ban cố vấn lại hỏi nhỏ nhẹ lần hai, lần này cô bé dừng vài giây suy nghĩ và gật đầu. Lúc nãy cơ mặt anh giãn ra như buông được một gánh nặng, như giải tỏa được trăn trở bao lâu nay. Tôi thấy anh mỉm cười trong hạnh phúc, không phải anh sung sướng vì có thể thoải mái đi tìm một người phụ nữ bên cạnh trong tương lai mà tôi biết rằng nụ cười ấy là sự ấm áp khi con mình thật sự hiểu và mong muốn cha cũng có một hạnh phúc riêng cho bản thân.
Có tấm chân tình nào đẹp hơn lòng biết ơn. Có đóa hoa nào rạng ngời hơn lòng thành kính? Nhân ngày 8/3 hãy gửi đến người mẹ bất đắc dĩ dưới hình hài người đàn ông vạm vỡ một câu nói yêu thương thật ngọt ngào các con nhé!