Tại cuộc họp báo Chính phủ diễn ra chiều 6/9, báo giới đề cập, thời gian gần đây cơ quan chức năng phải tập trung, dồn lực giải cứu nhiều người bị lừa bán sang Campuchia.
Các cơ quan truyền thông muốn biết số liệu thống kê hiện tại còn bao nhiêu người Việt Nam thuộc diện bị lừa đảo đang ở Campuchia. Nghi vấn đề việc tồn tại những đường dây mua bán người tại Việt Nam, kết quả điều tra về đường dây này... cũng được đặt ra.
Theo Trung tướng Tô Ân Xô, Người phát ngôn Bộ Công an, sau liên tiếp những vụ giải cứu nhiều người bị lừa bán sang Campuchia, Bộ Công an đã chỉ đạo Cục Cảnh sát hình sự, Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Cục An ninh mạng và công an các địa phương phối hợp với lực lượng biên phòng, phối hợp với Campuchia điều tra, xác minh các đường dây buôn người sang nước bạn.
Chánh Văn phòng Bộ Công an nhận định, cơ quan chức năng đã bước đầu ngăn chặn, đạt kết quả rất tốt trong công tác đấu tranh, triệt phá loại tội phạm này.
Ở khía cạnh khác, thông tin về công tác bảo hộ công dân đối với người lao động Việt Nam tại Campuchia, ông Nguyễn Minh Vũ - Trợ lý Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, cho biết Bộ Ngoại giao và các cơ quan đại diện tại Campuchia luôn coi trọng, quan tâm công tác bảo hộ quyền lợi chính đáng của công dân trước tình trạng nhiều người Việt bị đưa sang Campuchia lao động bất hợp pháp.
Thời gian vừa qua, Bộ này đã phối hợp thực hiện với Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, các địa phương, đặc biệt là các địa phương giáp biên giới để xác minh thông tin, triển khai biện pháp bảo hộ công dân.
Các cơ quan đại diện đã lập các nhóm chuyên trách để hỗ trợ công dân có nhu cầu; đăng cảnh báo trên các trang thông tin điện tử, mạng xã hội; thiết lập đường dây nóng để sẵn sàng tiếp nhận các thông tin yêu cầu hỗ trợ.
Hiện Bộ Ngoại giao chưa có thông tin về số lượng chính xác có bao nhiêu công dân bị lừa đảo sang Campuchia, nhưng hiện các cơ quan của Việt Nam đã giải cứu, đưa được hơn 600 công dân về nước an toàn và hỗ trợ thủ tục cho nhiều người khác.
"Thời gian tới, Bộ sẽ phối hợp tiếp tục làm tốt công tác bảo hộ công dân. Tuy nhiên, việc quan trọng là người dân cần được tuyên truyền, hiểu được rủi ro khi sang Campuchia lao động bất hợp pháp, tránh bị lừa bán" - ông Vũ cho hay.
2 nạn nhân làm việc với công an sau khi đã phải nộp tiền chuộc để thoát khỏi "địa ngục" ở Campuchia (Ảnh: CAND).
Trước đó, ngày 26/8, Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Shihanoukville đã phối hợp với các lực lượng chức năng Campuchia giải cứu 63 lao động Việt Nam. Chiều 29/8, Tổng Lãnh sự quán đã phối hợp với Đồn biên phòng Hà Tiên (tỉnh Kiên Giang) đưa những người này về nước.
Đến ngày 1/9, Đại sứ quán Việt Nam tại Phnom Penh đã tổ chức đưa về nước 26 công dân, qua cửa khẩu Tịnh Biên (tỉnh An Giang), trong đó có 11 người được giải cứu từ cơ sở lao động có liên quan tới vụ việc 42 người bỏ trốn, vượt sông về Việt Nam ngày 18/8, bao gồm cả 1 công dân bị bắt lại trong khi bỏ trốn.