Cây ngải cứu còn được gọi là cây thuốc cứu hay cây ngải điệp, thuộc họ Cúc. Ngải cứu thường mọc hoang ở những vùng quê Việt Nam và nay được trồng chủ yếu để làm rau gia vị. Nó là cây thân thảo, sống lâu năm, lá mọc so le, phiến men theo cuống đến tận gốc, dính vào thân.
Cây có chứa glucose, tannis, chlorophyll, axit malic, vitamin B và C. Chính vì vậy, nó có tính chống khuẩn mạnh mẽ, chữa bệnh tiêu chảy, sát trùng, giảm đau, cầm máu... Dưới đây là một số công dụng chữa bệnh khác của nó:
Điều hòa kinh nguyệt
Trong Đông y, ngải cứu được sử dụng như một vị thuốc giúp điều hòa khí huyết, an thai, kinh nguyệt không đều, làm giảm đau bụng khi hành kinh... Vì vậy, phụ nữ trong giai đoạn hành kinh nên bổ sung thêm loại rau này vào chế độ ăn uống hàng ngày để hạn chế các triệu chứng trên.
Hỗ trợ tiêu hóa
Ngải cứu chứa chất glucoside, hỗ trợ việc thải độc cho gan và túi mật. Bên cạnh đó, nó thúc đẩy quá trình tiêu hóa tốt hơn bằng cách tăng nồng độ axit dạ dày, giảm đau bụng, đầy hơi và kích thích sự thèm ăn.
Tăng cường hệ miễn dịch
Loại rau này rất hữu ích cho việc tăng cường hệ miễn dịch, giúp loại bỏ độc tố trong cơ thể, chống sốt và nhiễm trùng. Đặc biệt, tính khử trùng trong ngải cứu chống lại sự tấn công của virus và vi khuẩn.
Cải thiện trí nhớ
Chất absinthin tác động đến não để loại bỏ căng thẳng, lo lắng. Nếu chúng ta sử dụng ngải cứu đúng cách sẽ có lợi trong việc điều trị chứng đau nửa đầu và giúp cải thiện trí nhớ.
Tốt cho cơ bắp
Các thành phần trong ngải cứu như tanacetone, azulene và cadinene... có khả năng giúp tăng cường cơ bắp và sức đề kháng cho cơ thể. Chất tamin và thyon kích thích gân cơ, chống phù nề, làm mềm gân và chống quá trình xơ hóa.
Giảm căng thẳng
Chất histamin và acetylcholin thường được dùng trong các loại thuốc kháng sinh và giảm đau. Chính vì vậy, ngải cứu có tác dụng chữa đau đầu, giúp an thần và giảm đau nhức.