Nghiên cứu do nhóm các nhà khoa học tại Trung tâm Ung thư MD Anderson thuộc Đại học Texas (Mỹ) thực hiện. Nhóm nghiên cứu cho biết, đây là nghiên cứu lớn nhất về nâng ngực và những phát hiện của họ rất quan trọng trong việc giúp phụ nữ lựa chọn phương pháp nâng ngực phù hợp.
Đầu những năm 1990, Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) ban hành lệnh cấm nâng ngực bằng silicon vì lo ngại phương pháp này có liên quan đến nguy cơ gây ung thư, bệnh mô liên kết và bệnh tự miễn dịch.
Tuy nhiên thời điểm này, không có nghiên cứu nào chỉ ra được mối liên hệ rõ ràng giữa phương pháp nâng ngực bằng silicon với các nguy cơ nói trên.
Do đó, đến năm 2006, nâng ngực bằng silicon được FDA phê duyệt. Sau đó cơ quan này cũng tiếp tục tiến hành nhiều nghiên cứu liên quan đến phương pháp này nhưng vẫn không có kết quả.
Đến thời điểm hiện nay, hai phương pháp nâng ngực phổ biến nhất được FDA phê duyệt là nâng ngực bằng silicon và nâng ngực bằng túi nước muối.
Nâng ngực bằng nước muối được chấp thuận cho phụ nữ từ 18 tuổi trở lên, còn nâng ngực bằng silicon chỉ được thực hiện với phụ nữ từ 22 tuổi.
Nhiều phụ nữ cho rằng, nâng ngực bằng silicon cho cảm giác giống ngực thật hơn so với nâng ngực bằng túi nước muối, nhưng đồng thời cũng có rủi ro cao hơn nếu túi silicon bị rò rỉ.
Trong nghiên cứu mới của Đại học Texas, các nhà khoa học tiến hành phân tích dữ liệu của hơn 100.000 bệnh nhân nữ trong khoảng thời gian từ năm 2007 đến năm 2010.
Trong đó, khoảng 80.000 người đã thực hiện nâng ngực bằng silicon và những người còn lại nâng ngực bằng túi nước muối.
Kết quả nghiên cứu cho thấy, những phụ nữ nâng ngực bằng silicon có nguy cơ mắc một số vấn đề về sức khỏe cao hơn nhiều lần so với những người khác.
Những vấn đề này bao gồm: viêm khớp dạng thấp, hội chứng Sjogren - một rối loạn hệ miễn dịch đặc trưng bởi khô mắt và khô miệng, xơ cứng bì, xơ cứng mãn tính, căng cứng da và mô liên kết.
Phụ nữ nâng ngực bằng silicon có nguy cơ mắc phải những vấn đề nói trên cao gấp 6-8 lần so với người khác. Họ cũng có nguy cơ bị thai chết lưu tăng 4,5 lần, nguy cơ có khối u ác tính cao gấp 4 lần.
Bên cạnh đó, nâng ngực bằng silicon cũng có nguy cơ biến chứng cao hơn so với nâng ngực bằng túi nước muối.
Khoảng 5% phụ nữ nâng ngực bằng silicon bị sẹo xung quanh, được gọi là co thắt bao xơ, tỷ lệ này ở những phụ nữ nâng ngực bằng túi nước muối là 2,8%.
Bác sĩ Mark Clemens - Phó giáo sư khoa Phẫu thuật thẩm mỹ tại Trung tâm Ung thư MD Anderson - cho biết: "Chúng tôi đang chia sẻ thông tin quan trọng về tỷ lệ biến chứng giúp phụ nữ chọn lựa biện pháp an toàn nhất".
Nghiên cứu đã được công bố trên tạp chí Annals of Surgery.